Hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh - Vân Nam được khởi động từ năm 2004 đến nay đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc.
|
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm phát biểu chỉ đạo Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh - Vân Nam.
|
Sáng nay 20/11 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị về hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh của ViệtNamvà tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Trong 5 năm qua, nhiều dự án và chương trình quan trọng đã và đang được triển khai ở các địa phương trên củahai nước. Kim ngạch thương mại liên tục tăng, đạt 970 triệu USD năm 2007 và 645 triệu USD năm 2008 trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái. Về vị trí địa lý, hàng lang kinh tế này là cửa ngõ quan trọng kết nối Trung Quốc và ASEAN, đặt biệt khi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2010.
Tại Hội nghị này, hai bên rà soát lại những cơ chế, chính sách, vướng mắc để tập trung khắc phục trong thời gian tới nhằm đưa hợp tác trong khu vực hành lang ngày càng hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định phát triển "Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt-Trung" là một thỏa thuận quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước. Phó Thủ tướng cho biết sắp tới, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký kết Bản Quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế thương mại Việt-Trung, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và giao lưu hơn nữa giữa các địa phương hai nước.
Đến nay, khu vực hành lang kết nối 4 địa phương của Việt Nam và Vân Nam đã hội đủ những yếu tố thiên thời, địa lợi nên địa phương cần tích cực tận dụng những cơ hội này, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhận định.
|
Các đại biểu từ Bộ, ngành và địa phương Việt Nam cùng với các đại biểu tỉnh Vân Nam tham dự Hội nghị.
|
Đề cập đến định hướng tăng cường hợp tác trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nêu lên một số điểm chính sau:
Thứ nhất, cần làm rõ những tồn tại và trở ngại trong quá trình hợp tác để xây dựng những chương trình, dự án hợp tác trọng điểm cần ưu tiên thực hiện.
Thứ hai, đẩy nhanh việc nâng cấp mạng lưới giao thông nội hành lang, trọng điểm là tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, khớp nối hệ thống giao thông của Việt Nam với Vân Nam.
Thứ ba, cần tìm kiếm những hình thức linhhoạt để đưa quy mô thương mại hai chiều đạt kim ngạch 25 tỷ USD năm 2010 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.
Thứ tư, các tỉnh, thành của Việt Nam đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp và trung tâm thương mại, các khu kinh tế xuyên biên giới.
Một trong những vướng mắc lớn nhất trong hợp tác giữa Vân Nam và các địa phương Việt Nam, theo Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nhữ Thị Hồng Liên, là hệ thống cơ sở hạ tầng. Quảng Ninh hiện có tiềm năng rất lớn về du lịch và du khách Trung Quốc rất yêu thích vịnh Hạ Long, nhưng hiện hệ thống đường bộ kết nối giữa Quảng Ninh với Vân Nam còn chưa tốt.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng các khu kinh tế xuyên biên giới như một trong những cách thức thu hút hiệu quả các nhà đầu tư của hai bên.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường cũng khẳng định “Trung Quốc trước sau như một” ủng hộ thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ hành lang nói riêng và giữa Trung Quốc với Việt Nam nói chung.
Về triển vọng hợp tác giữa Vân Nam và các địa phương của Việt Nam, Phó Tỉnh trưởng Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam Cố Triều Hy đánh giá hai bên “có điều kiện và có lý do hiệp lực” để thúc đẩy hợp tác lên tầm cao mới./.
Hải Minh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ