Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ mục tiêu năm 2010, cả nước phải nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế với mức cao hơn năm 2009, đạt khoảng 6,5%, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, ngăn chặn lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
|
Do vậy, việc xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội phải sát với điều kiện thực tiễn để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh hoàn thành kế hoạch đề ra.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 20/11 tại Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu hội nghị tập trung thảo luận để đóng góp ý kiến về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm tới, nhất là đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009, Thủ tướng nêu rõ trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh kinh tế thế giới, nhưng Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra là ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì được đà tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước ước đạt 5,2%, tuy thấp nhất trong vòng nhiều năm gần đây, nhưng xét trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới thì đó là kết quả đáng trân trọng.
Hiện Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng, đồng thời nằm trong nhóm trên 10 nước có tăng trưởng dương năm 2009. Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính... cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng chính sách, giải pháp cụ thể để triển khai ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2010. Ngay trong hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu lấy ý kiến đóng góp của các bộ và địa phương để thực hiện Nghị quyết với những giải pháp cụ thể triển khai có hiệu quả kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010.
Về việc triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu và nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; các chính sách về giáo dục đào tạo, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và phúc lợi xã hội trên địa bàn.
Các Bộ, ngành và địa phương cũng được yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính công, mà trọng tâm của năm 2010 là cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tiếp tục phân cấp gắn với phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra giám sát. Thực hiện các chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cũng như các chính sách, biện pháp hỗ trợ sản xuất đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, các địa phương cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình đầu tư hạ tầng trọng điểm của quốc gia, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây... ; triển khai nhanh các dự án phúc lợi xã hội trên địa bàn như xây dựng các bệnh viện tuyến huyện, trường học, giải quyết việc làm, đào tạo nghề.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng nhận định năm 2009 Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về phát triển kinh tế - xã hội, nền kinh tế chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng chỉ bị suy giảm, không rơi vào tình trạng suy thoái như các nước khác.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, các cân đối thu chi ngân sách nhà nước, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế… cơ bản được bảo đảm, lạm phát được kiềm chế với tỷ lệ lạm phát khoảng 7%, tương đương với mức trung bình của nhiều năm trước đây. Công tác an sinh xã hội được chú trọng đúng mức, trong đó đời sống nhân dân được bảo đảm , nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng sâu, vùng xa…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng nêu bật những tồn tại yếu kém và một số bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo trước những biến động của kinh tế thế giới./.