Ngày 4/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0-0,25%, được áp dụng từ tháng 12/2008 vì cho rằng "hoạt động kinh tế của Mỹ mặc dù có tăng song vẫn còn yếu trong một thời gian nữa".
Trong thông báo về cuộc họp 2 ngày qua, lần đầu tiên FED đưa ra dự báo sẽ giữ lãi suất ở "mức đặc biệt thấp" trong một "giai đoạn dài", được hiểu chung là ít nhất trong sáu tháng, vì tỉ lệ tận dụng nguồn lực thấp, xu hướng lạm phát thấp và dự báo lạm phát ở mức ổn định.
Ngoài ra, FED nhắc lại rằng không có sự thay đổi lớn nào đối với chương trình giảm lãi suất trái phiếu, hiện là 3,5%, mức thấp kỷ lục trong nhiều tháng qua.
Chủ tịch FED Ben S. Bernanke cho hay mặc dù tuần trước Chính phủ Mỹ thông báo GDP của nước này tăng 3,5% trong quý III/09, quý tăng trưởng đầu tiên trong 1 năm qua, song sự hồi phục kinh tế còn mong manh, tăng trưởng sẽ chậm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức rất cao, trên 9% cho đến tận năm 2011.
Dựa trên mức độ hồi phục kinh tế sau suy thoái, nhiều nhà đầu tư dự đoán FED có thể phải nâng lãi suất sớm, có thể vào đầu năm 2010. Một số khác lại cho rằng mức lãi suất hiện nay có thể được duy trì trong nhiều tháng nữa, thậm chí là hàng năm.
Theo giáo sư kinh tế Victor Li của Trường kinh doanh Villanova, FED cần cân nhắc về việc thắt chặt chính sách tiền tệ vì mức lãi suất thấp không thể được duy trì trong một thời gian dài vì sẽ làm nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, lạm phát tăng và khiến đồng USD trượt giá mạnh.
Một chuyên gia khác dự kiến khả năng tăng lãi suất ngay trong những tháng đầu năm 2010 cho rằng việc FED bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính trong quá trình giúp nền kinh tế hồi phục sẽ khiến đồng tiền thoát khỏi nền kinh tế - nơi có thể làm tăng nỗi sợ lạm phát.
Ông William Rutherford, Chủ tịch công ty quản lý đầu tư Rutherford, cho rằng thất nghiệp cao là lý do chính để đặt mối sợ lạm phát sang một bên. Chi phí lao động đến lúc này vẫn là chi phí lớn nhất trong nền kinh tế. Một số lượng lớn lao động thất nghiệp của Mỹ sẽ khiến chi phí lao động giảm.
FED đang trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan", giảm lạm phát song phải đảm bảo không chấm dứt tăng trưởng trước khi điều này thực sự bắt đầu. Theo ông Li, nếu thắt chặt lãi suất quá sớm trước khi kinh tế đủ ổn định sẽ khiến kinh tế có nguy cơ suy yếu nhiều hơn, trong khi nếu làm quá muộn, lạm phát sẽ là vấn đề lớn nhất.
Xu hướng lãi suất sẽ phụ thuộc vào diễn biến trước mắt của nền kinh tế. Nếu kinh tế trở lại bình thường, chính sách tiền tệ cũng sẽ trở lại bình thường. Và FED có thể sẽ hành động sau khi nền kinh tế và thị trường tài chính có những diễn biến rõ nét hơn.
Các nhà phân tích cho rằng chính sách tiền tệ sẽ không bị thắt chặt hơn trong ít nhất 6 tháng nữa. Để thắt chặt chính sách tiền tệ, FED sẽ phải tăng lãi suất đồng thời phải bắt đầu giảm quy mô của bản cân đối tài khoản bằng cách bán hết trái phiếu mà họ đang nắm giữ.
Trong khi đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đã quyết định cắt bớt 25 tỷ USD trong kế hoạch sử dụng 200 tỷ USD mua nợ do Fannie Mae và Freddie Mac phát hành.
Khoản cắt giảm này chỉ là một phần rất nhỏ trong chương trình của FED mua lại 1.750 tỷ USD. Khoản tiền 25 tỷ USD nói trên sẽ được dùng để mua chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản của Fannie Mae và Freddie Mac./.