Các chính phủ và các cơ quan phụ trách về tiền tệ ở các nước Đông Á mới nổi cần hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa về tỷ giá hối đoái và các chính sách khác nhằm chuyển sự phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng thành sự tăng trưởng dài hạn đảm bảo cân bằng hơn.
Trong phần đặc biệt tại báo cáo Theo dõi Kinh tế châu Á của ADB số ra ngày hôm nay, báo cáo cho biết: “Hợp tác khu vực trong vấn đề tỷ giá nếu được xử lý một cách khôn khéo có thể đảm bảo sự ổn định của tỷ giá hối đoái trong nội bộ khu vực trong khi cho phép sự linh hoạt của tỷ giá đối với bên ngoài; từ đó giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối và tái cân bằng các nguồn lực tăng trưởng của khu vực.”
Thặng dư thương mại lớn, kéo dài của khu vực Đông Á mới nổi cùng với việc nợ của các nước phát triển tăng lên đã thúc đẩy xu hướng kêu gọi các nước Đông Á mới nổi tăng giá đồng tiền của mình để tương xứng với vị thế kinh tế đang tăng lên.
Sự phục hồi nhanh chóng của châu Á sau cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng đang thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực. Quản lý dòng vốn đầu tư chảy vào để ngăn ngừa việc hình thành các bong bóng giá tài sản cũng đã trở thành một mối quan tâm chung.
Ông Iwan Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, cơ quan xây dựng báo cáo, phát biểu: “Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng trong thương mại và tài chính, cùng với tầm quan trọng ngày càng phát triển của các tác động dây chuyền lan tỏa trong khu vực khiến vấn đề hợp tác tỷ giá hối đoái trong khu vực trở thành một vấn đề chính yếu. Đồng thời, sự linh hoạt của các đồng tiền khu vực so với các đồng tiền bên ngoài sẽ giúp các nước châu Á mới nổi quản lý tốt hơn các dòng vốn đầu tư và ứng phó tốt hơn với các tác động từ bên ngoài.”
Báo cáo Theo dõi Kinh tế châu Á đề xuất biện pháp tốt nhất đối với các nền kinh tế châu Á là áp dụng một vùng theo dõi không chính thức cho các tỷ giá của mình đối với một ngoại tệ tham chiếu hoặc một rổ tiền tệ. Khi có bất kỳ thay đổi lớn nào vượt ra ngoài vùng theo dõi không bắt buộc đó, các cuộc thảo luận kín sẽ được tiến hành để giảm sự chênh lệch. Sau này, các thỏa thuận có thể thiết lập một cách chính thức hơn.
Báo cáo cũng đánh giá triển vọng của các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á, bao gồm mười nước thành viên ASEAN, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hongkong-Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan-Trung Quốc.
Báo cáo nhận định rằng triển vọng yếu hơn của nền kinh tế toàn cầu, cùng với việc giảm dần các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa trong khu vực sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế của khu vực trong năm tới sẽ ở mức thấp hơn.
Tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế châu Á mới nổi có thể đạt 7,3% trong năm 2011 sau khi đã tăng 8,8% trong năm 2010. Trong báo cáo cập nhật về Triển vong Tăng trưởng châu Á 2010 công bố vào tháng 9, ADB đã dự đoán tăng trưởng của khu vực đạt 8,4% trong năm nay sau khi chỉ tăng 5,4% trong năm 2009.
Tăng trưởng được dự báo tăng lên trong năm 2010 chủ yếu là do tăng trưởng của Trung Quốc cao hơn mức dự đoán, theo ADB năm nay sẽ ở mức 10,1%. Mức tăng trưởng này cao hơn mức dự đoán 9,6% vào tháng 9. ADB vẫn dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9,1% trong năm 2011.
Trong một nhận xét đặc biệt được đưa ra riêng rẽ tái đánh giá tình hình tổng quát của các nước châu Á đang phát triển gồm 45 nền kinh tế đang phát triển thuộc khu vực Trung Á, Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, ADB đã tăng mức tăng trưởng dự báo cho năm 2010 từ 8,2% theo như báo cáo tháng 9 lên mức 8,6%. Dự báo tăng trưởng cho năm 2011 của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á vẫn là 7,3%.
Tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Á hiện được dự kiến ở mức 5,9% trong năm nay, tăng hơn so với mức dự báo trước đây là 5,1%. ADB vẫn giữa nguyên mức tăng trưởng dự kiến của khu vực Nam Á là 7,8%, trong đó Ấn Độ sẽ tăng trưởng 8,5%. Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương cũng được giữ nguyên mức dự báo cho năm 2010 là 4,3%.
Ông Azis phát biểu: “Các nền kinh tế châu Á mới nổi đang phục hồi theo hình chữ V và thách thức đối với khu vực là thực hiện các chính sách quốc gia để chuyển sự phục hồi nhanh chóng thành sự tăng trưởng dài hạn.”
Rủi ro đối với triển vọng của khu vực cũng cao hơn so với 6 tháng trước đây. Các thách thức về chính sách bắt nguồn từ sự hồi phục tương đối yếu hơn của các nền kinh tế phát triển, khả năng mất ổn định của dòng vốn đầu tư chảy vào, lạm phát, bong bóng giá tài sản ở một số nước và chủ nghĩa bảo hộ.
Ngân hàng Phát triển châu Á, trụ sở chính đóng tại Manila, hoạt động với sứ mệnh giảm đói nghèo ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế toàn diện, tăng trưởng bền vững về môi trường và hội nhập khu vực.
Được thành lập năm 1966, hiện nay ADB có 67 thành viên, trong đó gồm 48 thành viên trong khu vực. Năm 2009, ADB đã phê duyệt tổng cộng 16,1 tỷ USD để tài trợ cho các khoản cho vay, viện trợ không hoàn lại, bảo lãnh, tạo thuận lợi cho tài chính thương mại, đầu tư góp vốn và các dự án hỗ trợ kỹ thuật. ADB cũng huy động được nguồn vốn đồng tài trợ trị giá 3,2 tỷ USD./.