Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/01/2010-10:14:00 AM
Tiền Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư
Với lợi thế cửa ngõ giao thương của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) với thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, Tiền Giang có nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà ở, du lịch sinh thái và công nghiệp chế biến nông, thủy sản. Ðể phát huy thế mạnh, tiềm năng, Tiền Giang đã và đang nỗ lực huy động mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.

Khu công nghiệp Mỹ Tho

Khai thác thế mạnh
Nhằm tạo bước đột phá, làm tiền đề vững chắc cho việc phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo, năm 2010 Tiền Giang tập trung quyết liệt cho công tác đầu tư. Tiền Giang là tỉnh có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư. Ðó là, ngoài vị thế cửa ngõ giao thương thuận lợi của các tỉnh miền tây về thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam và là cửa ngõ ra Biển Ðông của các tỉnh ven sông Tiền và Campuchia, Tiền Giang còn có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng của các vùng sinh thái khác nhau để phát triển nông nghiệp toàn diện, phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại và dịch vụ...
Ðể khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, trong định hướng phát triển, Tiền Giang đã phân chia cụ thể ba vùng kinh tế trọng điểm:
Vùng các huyện phía đông là vùng có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển và phát triển các loại hình công nghiệp đóng tàu, cảng biển và vận tải biển, chế biến thủy hải sản; cùng các tiềm năng về du lịch và dịch vụ hậu cần nghề cá...
Vùng các huyện phía tây có thế mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt là cây ăn trái lớn nhất tỉnh gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các dịch vụ dọc theo trục kinh tế quốc lộ I. Ngoài ra, vùng còn có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nơi hội tụ của ba vùng sinh thái như sinh thái mặn, ngọt gắn với sinh thái sông nước, cây ăn trái và sinh thái vùng ngập lũ Ðồng Tháp Mười...
Vùng thành phố Mỹ Tho - Châu Thành là vùng động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chủ động hội nhập, hợp tác kinh tế với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh và vùng ÐBSCL.
Trên cơ sở phân định thế mạnh từng vùng, Tiền Giang sẽ tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp-nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa; thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học; tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn (GAP) gắn với hệ thống tiêu thụ và phục vụ cho công nghiệp chế biến... Ðầu tư ổn định khoảng 60 nghìn ha canh tác lúa để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và mục tiêu xuất khẩu; hình thành các vùng chuyên canh là thế mạnh của tỉnh như cây ăn trái, rau sạch...Tiếp tục khai thác thế mạnh trong phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường... Phát triển thủy sản theo hướng quy hoạch các vùng nuôi, thâm canh tăng năng suất, đa dạng hóa đối tượng nuôi, kết hợp chặt chẽ khâu nuôi, bảo quản chế biến và quản lý bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển các loại thủy sản có giá trị tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu như cá, tôm, nghêu, cá bè... trên sông Tiền, các cồn, bãi bồi ven biển.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, có hàm lượng công nghệ cao, đồng thời chú trọng các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế như công nghiệp chế biến, công nghệ sinh học, công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ nông nghiệp - nông thôn cùng các ngành công nghiệp bổ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng ÐBSCL. Tập trung thu hút đầu tư phát triển nhanh các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt đồng thời củng cố và nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp đã có. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có từ bảy đến tám khu công nghiệp tập trung và khoảng 30 cụm công nghiệp địa phương với tổng diện tích khoảng 8.700 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực Tân Phước và Gò Công.
Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Tiền Giang chú ý phát triển thị trường nội địa, mở rộng giao thương với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng ÐBSCL gắn liền với quy hoạch mạng lưới thương mại. Sắp xếp lại mạng lưới bán lẻ, ưu tiên phát triển hệ thống kinh doanh bán lẻ hiện đại, quy hoạch những vị trí có lợi thế thương mại ở đô thị để xây dựng, phát triển các khu thương mại, dịch vụ tại TP Mỹ Tho, thị xã Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè; hình thành các khu dân cư - đô thị - thương mại - dịch vụ khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục - đào tạo, tài chính - ngân hàng và nghỉ dưỡng khu vực bắc Gò Công, đông nam Tân Phước, Trung Lương (Mỹ Tho)... Củng cố và phát triển hệ thống các chợ đầu mối về nông, thủy sản khác đã có trên địa bàn tỉnh, tạo cầu nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng ÐBSCL.
Phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, thực hiện liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế, đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch. Thu hút đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí tổng hợp, các khu nghỉ dưỡng, các địa điểm có tiềm năng du lịch như: các cù lao trên sông Tiền, vùng ngập lũ Ðồng Tháp Mười, tập trung ưu tiên đầu tư cù lao Thới Sơn thành cụm điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của tiểu vùng hạ lưu sông Mê Công mở rộng, phát huy lợi thế của bãi biển Tân Thành, vườn cây ăn trái, các di tích văn hóa lịch sử...
Ðẩy mạnh thu hút đầu tư
Nhằm phát triển nhanh và bền vững, Tiền Giang đang đẩy mạnh đầu tư để từng bước chuyển mình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh đã tiến hành xây dựng nhiều quy hoạch, chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển khu dân cư, khu đô thị mới, các khu du lịch và nhiều lĩnh vực khác nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư. Cụ thể, theo kế hoạch, trong những ngày cuối tháng 1-2010, Tiền Giang sẽ chính thức xúc tiến mời gọi thu hút đầu tư 117 dự án, với tổng vốn 10,6 tỷ USD. Trước mắt, tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư 34 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 134 nghìn tỷ đồng, trong đó có bốn dự án đã và đang nghiên cứu đầu tư, tổng vốn 65 nghìn tỷ đồng, còn lại là 30 dự án mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, khu dân cư, du lịch; lĩnh vực thương mại và dịch vụ, nông nghiệp, xã hội và môi trường,... với tổng vốn đầu tư hơn 69 nghìn tỷ đồng.
Ðể đạt được mục tiêu trên, đồng thời tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, Tiền Giang đang tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ðồng thời, phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; hệ thống cung cấp điện và đặc biệt là hệ thống cung cấp nước sạch cho các huyện phía đông (đã thu hút dự án BOO Ðồng Tâm - dự án dẫn nước ngọt từ các huyện phía tây về các huyện phía đông, vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, dự kiến tháng 5-2010 hoàn thành)... Theo đó, tỉnh còn thực hiện phương châm xã hội hóa công tác đào tạo, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, kể cả hợp tác quốc tế tham gia đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có trình độ kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và của các khu công nghiệp của địa phương và trong vùng.
Với cơ chế linh hoạt, chính sách thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi, tỉnh Tiền Giang sẵn sàng nghiên cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nhà đầu tư khi các dự án đầu tư đem lại lợi ích thiết thực cho dân sinh./.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thế Ngọc:
"Ðẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, với 117 danh mục dự án đưa ra mời gọi - đây là một trong những nguồn lực quan trọng để gia tăng chất lượng tăng trưởng, bảo đảm tính bền vững trong phát triển. Các ngành, địa phương chủ động, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp như tạo quỹ đất tái định cư, xây dựng danh mục chương trình, dự án hấp dẫn, cải cách thủ tục hành chính... để công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đạt được kết quả cao trong năm 2010, làm tiền đề vững chắc phát triển cho những năm tiếp theo. Trong đó, chú ý hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư thương mại, tiếp cận thông tin thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ...".
Danh mục dự án mời gọi đầu tư
Trong 117 dự án mời gọi đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 192 nghìn tỷ đồng, tương đương 10,6 tỷ USD, phân bố hầu hết ở tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bao gồm:
10 dự án đã, đang nghiên cứu đầu tư với tổng gần 97 nghìn tỷ đồng:
- Khu đô thị mới (thị xã Gò Công), do tập đoàn COUNTRY STATE DEVELOPMENT PTY LTD (Úc) làm chủ đầu tư.
- Cụm cảng tổng hợp và công nghiệp Soài Rạp (huyện Gò Công Ðông), do Tập đoàn Vinashin làm chủ đầu tư.
- Cụm cảng tổng hợp và công nghiệp Gia Thuận (huyện Gò Công Ðông), do Công ty CP An Sơn làm chủ đầu tư.
- Khu du lịch sinh thái Cồn Ngang (huyện Tân Phú Ðông), do Công ty CP thương mại Kinh Thành, TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.
- Cảng và kho tồn trữ khí hóa lỏng (huyện Gò Công Ðông) do Tổng công ty khí VN làm chủ đầu tư.
- Dự án kho tổng hợp Saigon Petro (huyện Gò Công Ðông), do Saigon Petro làm chủ đầu tư.
- Khu dân cư nhà vườn Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước), do Công ty cổ phần xây dựng Tiền Giang.
- Cụm công nghiệp hóa chất Thạnh Tân (Tân Phước), do Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp TG làm chủ đầu tư.
- Phân hiệu Trường cao đẳng Kinh tế Nguyễn Tất Thành (huyện Tân Phước).
- Phân hiệu Trường Kỹ thuật Cao Thắng (huyện Tân Phước).
107 dự án kêu gọi đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 96 nghìn tỷ đồng; tập trung ở các lĩnh vực:
- Lĩnh vực công nghiệp có 23 dự án với tổng vốn đầu tư 79.306 tỷ đồng, tập trung ở các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp, các nhà máy nhiệt điện...
- Lĩnh vực đô thị và khu dân cư có 18 dự án với tổng vốn đầu tư 7.700 tỷ đồng, tập trung ở các dự án khu dân cư đô thị, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở chuyên gia và chung cư công nhân, các khu dân cư gắn liền với các khu công nghiệp - thương mại - dịch vụ...
- Lĩnh vực du lịch có 14 dự án với tổng vốn đầu tư 1.595 tỷ đồng, tập trung vào các khu du lịch sinh thái Ðồng Tháp Mười, khu du lịch biển, khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái vườn cây ăn trái, sông nước...
- Lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 21 dự án với tổng vốn đầu tư 1.068 tỷ đồng, tập trung chủ yếu là các khu thương mại, chợ, siêu thị, công viên nghĩa trang, vận tải hành khách công cộng...
- Lĩnh vực nông nghiệp có năm dự án với tổng vốn đầu tư 445 tỷ đồng, bao gồm khu nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ cao, chăn nuôi công nghiệp tập trung, sản xuất giống...
Hương Thu
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1062
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)