Theo IMF, châu Á sẽ tiếp tục dẫn đầu sự phục hồi toàn cầu trong ngắn hạn, với mức tăng GDP 7% trong năm 2010, chủ yếu nhờ sản lượng công nghiệp và xuất khẩu tăng mạnh cũng như nhu cầu trong nước khởi sắc.
|
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, theo IMF, châu Á lần đầu tiên đang dẫn đầu sự phục hồi toàn cầu
|
Tại Hội nghị mùa Xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), IMF đã hoan nghênh những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới, song cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phục hồi, nhất là những vấn đề liên quan đến sức khoẻ tài chính công của các chính phủ.
Những dấu hiệu phục hồi ngày một rõ nét là đáng kích lệ, song vẫn còn nhiều thách thức cần phải được giải quyết trên tinh thần phối hợp.
Theo đánh giá của IMF, châu Á lần đầu tiên đang dẫn đầu sự phục hồi toàn cầu từ khủng hoảng kinh tế. Giám đốc phụ trách bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của IMF, Anoop Singh nhận định: "Mặc dù tăng trưởng GDP của châu Á đã vượt mức tăng của các nền kinh tế tiên tiến trong 3 thập kỷ qua, đây là lần đầu tiên khu vực này dẫn đầu sự phục hồi toàn cầu".
Báo cáo "Triển vọng Kinh tế Thế giới" tại Hội nghị của IMF (khai mạc ngày 24/4ởWashington, Mỹ)đánh giá, châu Á sẽ tiếp tục dẫn đầu sự phục hồi toàn cầu trong ngắn hạn, với mức tăng GDP 7% năm 2010, chủ yếu nhờ sản lượng công nghiệp và xuất khẩu tăng mạnh cũng như nhu cầu trong nước khởi sắc.
Riêng về Trung Quốc, Giám đốc hãng Development Prospect Group của WB, Hans Timmer nhận định với tốc độ tăng trưởng cao và đầu tư ngày càng mở rộng ra thế giới, Trung Quốc đang giữ vai trò then chốt trong sự phục hồi toàn cầu. Đầu tư khổng lồ của Trung Quốc trên các thị trường thế giới đang góp phần lớn vào nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thế giới. Trên thực tế, Trung Quốc đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi khủng hoảng kinh tế, nhất là trong quý IV/2008. Nhưng Chính phủ nước này đã ứng phó khá tốt bằng các chính sách hiệu quả giúp điều chỉnh nền kinh tế.
Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn nói rằng sau khi trải qua các giai đoạn "hoảng loạn, hành động và giảm nhẹ", thế giới đang bước vào giai đoạn thứ 4, gọi là "xây dựng lại". Tuy nhiên, IMF cũng nhận định rằng sự phục hồi hiện nay không đồng đều, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tại các thị trường đang nổi, trong khi đà phục hồi diễn ra chậm chạp hơn tại một số nền kinh tế tiên tiến như EU và Nhật Bản. IMF chỉ ra rằng gánh nặng nợ đang phình to và thất nghiệp cao tại các nước phát triển có nguy cơ gây ra tình trạng tín dụng "èo uột" kéo dài, trong khi các nước đang nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh đối mặt với các luồng vốnồ ạt, nhân tố có thể dẫn đến tình trạng bong bóng tài sản.
Một báo cáo chung mới công bố của WB và IMF cũng cho biết, mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu phần nào cản trở các nỗ lực của thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo, song các nước vẫn có thể đạt được Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ về giảm đói nghèo đúng thời hạn là vào năm 2015. Báo cáo nêu rõ, suy thoái kinh tế đã tác động tới việc thực hiện hàng loạt Mục tiêu Thiên niên kỷ quan trọng liên quan tới giảm đói nghèo, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bình đẳng giới, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục ảnh hưởng tới triển vọng phát triển dài hạn của các nước sau năm 2015. Hệ quả là trong vòng 5 năm tới, thế giới sẽ có thêm 53 triệu người phải sống trong cảnh nghèo khổ, nâng tổng số đối tượng thuộc diện này lên 920 triệu người.
Tuy nhiên, WB và IMF cho rằng con số này vẫn cho thấy một bước tiến lớn của thế giới nếu so với tỷ lệ 1,8 tỷ người nghèo khổ tính tới thời điểm năm 1990. Hai thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này lạc quan rằng thế giới vẫn sẽ đạt được mục tiêu đầu tiên trong các MDG là tới năm 2015 giảm được 42% số người đói nghèo so với năm 1990.
Châu Á hiện là khu vực đi đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo, với tỷ lệ người nghèo khổ đã giảm từ mức 55% của năm 1990 xuống còn 17% vào năm 2005 và dự kiến đạt chỉ tiêu 5,9% vào năm 2015/.
Phương Linh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ