Ngày 22/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về Báo cáo của Chính phủ bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và những tháng đầu năm 2010.
|
Các đại biểu thảo luận tại tổ
|
Nhìn chung, cácđại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 ngày 20/5 vừa qua.
Theo đó, năm 2009 có nhiều biến động và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bằng việc ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách kinh tế và xã hội cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, kinh tế nước ta đã sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản các mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng Trần Ngọc Vinhcho rằng,để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm,nhất làviệckiềm chế lạm phát, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa. “Nếu không ngăn chặn được lạm phát, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động và rất khó ổn định được kinh tế vĩ mô”, Đại biểu Hải Phòng bày tỏ.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bên cạnhnhiều lĩnh vực “tăng trưởng bền vững” cũng cònnhiều lĩnh vực “yếu kém kéo dài”. Ông Hùng lấy ví dụ như nhập siêu, chỉ số ICOR cao, bội chi lớn và cán cân thanh toán mất cân đối...
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô cần được ưu tiên và kiến nghị Chính phủ cần có chính sách kinh tế vĩ mô bền vững, lâu dài và đồng bộ để tránh tình trạng ứng phó, mỗi năm lại thay đổi chiến lược phát triển kinh tế. Chính phủ cần quan tâm đến tái cấu trúc nền kinh tế và có chính sách phù hợp...
Các đại biểu nhận định, trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có 17 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội , 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xã hội và môi trường, trong đó lĩnh vựcđào tạo nguồn nhân lực có 2 chỉ tiêu và môi trường có 4 chỉ tiêu.gây ảnh hưởng đến phát triển bền vững và chất lượng đời sống xã hội.
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, môi trường là vấn đề đáng quan tâm nhất. Ông lưu ý bên cạnh nâng cao đời sống, cần đặc biệt chú ý cải thiện chất lượng cuộc sống, cụ thể là cải thiện môi trường sống.
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị Chính phủ nên tập trung giải quyết khó khăn về vốn, hạ lãi suất, có chính sách xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu, giảm yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp; cần tập trung cải cách thủ tục hành chính; có chính sách, cơ chế đồng bộ, tăng mức đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hộiNguyễn Đức Hiền (đại biểu Quảng Ngãi), các đại biểu Trần Đình Long, Trương Thị Xê (Đăk Lăk) đều cho rằng, các giải pháp của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng và hiệu quả đối với bà con vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, theo Đại biểu NguyễnĐứcHiền, để thúc đẩy những vùng đặc biệt khó khăn này “dần tiến kịp miền xuôi” như mong muốn của chúng ta đòi hỏi thực sự phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa.
Các đại biểu Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề cập đến vấn đềđiệncăng thẳng trong bối cảnh mùa khô năm nay, trình trạng thiếu điện khá nghiêm trọng.“Tôi thấy ngành điện không thực hiện được chiến lược “phải đi trước một bước” làm nền tảng cho sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước như mục tiêu đề ra. Vì thế, cần đẩy nhanh lộ trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và các công trình thủy điện khác. Nếu không mục tiêu chiến lược đối với ngành điện “đi trước một bước” vẫn còn xa vời lắm”, Đại biểu này phát biểu./.
Lê Sơn
Cổng thông tin điện tử Chính phủ