Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/12/2009-09:57:00 AM
Thâm hụt ngân sách - nỗi lo của các nước năm 2010

Nhận định về tình hình nợ ngân sách các nước, giới chuyên gia kinh tế Pháp cho rằng thế giới sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn. Đó là thâm hụt ngân sách lên đến mức kỷ lục vào năm 2010 và những khó khăn trong việc thanh toán nợ công vào các năm tiếp theo.
Chuyên gia kinh tế Pháp Guillaume Guichard nhận định dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, tình trạng thâm hụt ngân sách của các nước đang ngày càng gia tăng.
Theo dự đoán, nợ ngân sách, đặc biệt là của các nước phát triển, sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm 2010.
Nợ trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chiếm 73,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2007, sẽ tăng lên 100% vào năm 2011.
Nói một cách cụ thể hơn, những khoản nợ trung bình của các nước OECD sẽ tương đương với GDP của một nước giàu.
Tổng số nợ ngân sách trong khu vực đồng euro ước tính cũng sẽ đạt đỉnh điểm 1.000 tỷ euro vào năm 2010, so với 650 tỉ năm 2008.
Tình trạng của mỗi quốc gia tuy khác nhau, song các nước phát triển bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nợ của Nhật Bản sẽ tăng từ 167% lên 204% GDP, của Pháp cũng tăng từ 70% lên 99%, và của Hy Lạp từ 103% lên 130%.
Ngay cả Đức, một hình mẫu trong việc điều tiết ngân sách, cũng phải chấp nhận nợ ngân sách tăng từ 65% lên 85,5% GDP, vượt quá nhiều so với ngưỡng 60% được qui định trong Hiệp ước Maastricht về nợ ngân sách đối với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Theo giải thích của các chuyên gia OECD, ngân sách công của các nước thực ra đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng từ tháng 9/2008.
Nguồn thu ngân sách từ thuế, vốn phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh tế, bị giảm mạnh do suy thoái, trong khi các khoản chi tiêu công tăng vọt do nạn thất nghiệp gia tăng, kéo theo những khoản trợ cấp xã hội tăng cùng chi phí bổ sung cho các giải pháp an sinh xã hội. Đó là chưa kể chi phí dành cho các kế hoạch phục hồi kinh tế cũng khiến nợ ngân sách tăng đột biến.
Để bù đắp sự thâm hụt này, các nước phải tìm đến giải pháp vay vốn. Tuy nhiên, đây được cho là giải pháp "nguy hiểm" trong trường hợp các nước không bán được trái phiếu kho bạc hoặc phải bán với mức lãi suất quá cao. Điều này sẽ chỉ khiến các khoản nợ ngày càng chồng chất thêm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng tình huống trên sẽ khó có thể xảy ra do thị trường đủ khả năng tiếp nhận công trái Nhà nước. Thêm vào đó, khu vực tư nhân hiện đang trong quá trình giảm nợ nên các nhà đầu tư sẽ có thêm tiền mặt để đầu tư và giải quyết dần các khoản nợ.
Tuy nhiên, chính ở giai đoạn trả nợ này, những khó khăn mới thực sự bắt đầu khi các nước sẽ phải nỗ lực để "tăng thu, giảm chi". Điều đó có nghĩa là chi phí phải được duy trì ở mức thấp nhất và nguồn thu thuế sẽ phải tăng cao hơn mức hiện nay./.

TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 733
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)