Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đang xúc tiến các chương trình tài trợ cho châu Phi nhằm hỗ trợ khu vực này ngăn chặn suy thoái kinh tế trầm trọng cũng như chiến tranh và bạo động do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
|
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauuss-Kahn
|
Phát biểu tại thủ đô Nairobi của Kenya ngày 10/3, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauuss-Kahn khẳng định IMF tiếp tục hỗ trợ châu Phi phục hồi kinh tế nhằm nâng cao mức sống của người dân, tăng cường sự linh hoạt của châu lục trước các chấn động của nền kinh tế thế giới.
Ông Kahn nhấn mạnh trong thế giới ngày càng hội nhập hiện nay, châu Phi thịnh vượng sẽ đáp ứng lợi ích của mọi người trên thế giới.
Năm 2009, IMF đã cam kết các khoản cho vay 3,6 tỷ USD không tính lãi để hỗ trợ châu Phi vượt qua khủng hoảng, đồng thời cải tổ các thể chế tài chính để tăng hiệu quả của các khoản tín dụng này trong việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng của các nước trong châu lục.
Theo ông Kahn, nhờ các khoản trợ giúp lớn và kịp thời của các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều quốc gia châu Phi đã vượt qua được khủng hoảng kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 3% trong năm 2009 và có thể tăng lên 4,5% trong năm nay.
Tuy nhiên, các nước châu Phi cần tranh thủ cơ hội này để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và tập trung xây dựng các kế hoạch, biện pháp kinh tế dự phòng cho chu kỳ suy thoái kinh tế tiếp theo có thể xảy ra trong thời gian tới.
Ông cũng kêu gọi châu Phi xây dựng lại các nền tảng chính sách kinh tế để đối phó hiệu quả hơn với nguy cơ suy thoái kinh tế, tăng ngân sách, giảm nợ nần để tăng chi phí xã hội.
Trong khi đó, quan chức IMF phụ trách khu vực châu Phi Antoinette Sayeh nhận định mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nhiều quốc gia châu Phi cơ bản đã vượt qua được suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhờ sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế.
Bà Antoinette Sayeh cho rằng quá trình phục hồi kinh tế hiện nay tại châu lục này vẫn mang tính tạm thời và chưa bền vững.
Do vậy, các nước châu Phi cần tiếp tục hoạch định chính sách, có các biện pháp kinh tế lâu dài để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững, đồng thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hạ thấp tỉ lệ thất nghiệp đang tăng mạnh và giảm đói nghèo./.