Kinh tế lún sâu vào suy thoái, khủng hoảng nợ lan rộng, nguy cơ đồng tiền chung chết yểu, bất ổn xã hội gia tăng… là những đám mây đen đang kéo đến bầu trời châu Âu, buộc Liên minh châu Âu (EU) phải mở chiến dịch tìm kiếm các công cụ để xua tan.
Sau một loạt "chiến thuật đơn lẻ" ở một số nước thành viên yếu kém, EU đã đưa ra “chiến thuật dốc toàn lực có phối hợp” tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 17/6 vừa qua ở Brussels (Bỉ) trong khuôn khổ chiến lược chung là chặn đứng nguy cơ phá sản đang đe dọa nền kinh tế của cả nhóm.
Chiến dịch bắt đầu từ tháng 4, sau khi Hy Lạp phải chính thức đề nghị EU bảo lãnh để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Quy mô lớn của nền kinh tế xuyên quốc gia, cộng với những khác biệt về văn hóa và trình độ phát triển giữa các nước thành viên khiến EU không thể ngay lập tức đưa ra "chiến thuật ứng phó chung."
Đó cũng là lý do khiến cuộc tìm kiếm này được thực hiện trong mấy tháng qua diễn ra hết sức khó khăn như “tìm kim nơi đáy biển,” thể hiện qua cường độ làm việc cật lực của lãnh đạo EU, chính phủ các nước thành viên, sự phản kháng của người dân, và sự quan tâm của dư luận thế giới.
Mức độ cấp thiết của vấn đề buộc một số nước phải sáng tạo “chiến thuật đơn lẻ” trong lúc chờ “chiến thuật chung” của EU. Hy Lạp đã chuyển từ đường hướng thắt lưng buộc bụng kết hợp với phát hành trái phiếu chính phủ sang đường hướng cân bằng gói biện pháp hà khắc này với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tây Ban Nha cũng lựa chọn chiến thuật tương tự, trong khi Bồ Đào Nha, Pháp, Italy và Ireland áp dụng giải pháp giảm chi tiêu trong khu vực nhà nước kết hợp với cải cách chế độ hưu trí, tăng phần đóng góp của các chính quyền địa phương cho ngân sách nhà nước và tăng thu nhập từ thuế…
Dù nằm ngoài Khu vực đồng euro, Anh cũng không tỏ ra bất động với chiến lược thúc đẩy kinh tế của EU khi tuyên bố giảm chi tiêu nhà nước kết hợp tăng nguồn thu ngân sách để khôi phục sức mạnh cho nền kinh tế.
Việc các nước thành viên EU gạt sang một bên lợi ích quốc gia để giải ngân đúng lúc gói cứu trợ 110 tỷ euro phối hợp giữa EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giúp Hy Lạp tạm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ cho thấy liên minh kinh tế, chính trị châu Âu quyết tâm bảo vệ nền kinh tế khu vực và sự sống còn của đồng euro đến mức nào.
Quyết tâm này được đẩy lên cao khi EU ngay sau đó lập Quỹ chống khủng hoảng, hay còn gọi là Quỹ bình ổn châu Âu, có sự hỗ trợ của IMF, trị giá gần 1.000 tỷ USD để giải cứu bất kỳ nước thành viên nào gặp nạn vỡ nợ.
Những biện pháp siết chặt quản lý tài chính như áp đặt quy định nghiêm ngặt đối với quỹ đầu cơ và cấm bán non trái phiếu chính phủ vì mục đích đầu cơ, các đề xuất về thành lập phiên bản IMF, Chính phủ kinh tế và Cơ quan xếp hạng tín dụng riêng của châu Âu... cũng phản ánh quyết tâm chung của EU là “vực dậy" một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Với việc thông qua “Chiến lược châu Âu 2020” về việc làm và tăng trưởng kinh tế, cùng một loạt quyết định quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua, EU đã đạt bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng hoảng nợ-kinh tế.
Các mục tiêu cụ thể được thiết lập nhằm đảm bảo việc làm; tăng trưởng mạnh, bền vững và toàn diện thông qua tăng cường năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và trật tự xã hội. Những biện pháp mang tính phòng ngừa và điều chỉnh được thông qua tại hội nghị như trừng phạt nước vi phạm quy định về tăng trưởng, minh bạch hóa khu vực tài chính… sẽ là những “chế tài” để EU siết chặt quản lý tài chính-kinh tế, đặc biệt đối với Khu vực đồng euro.
Điều này đã được các hiệp ước của EU đề cập, nhưng chỉ mang tính chất chiếu lệ. Dù chưa đưa ra được bước đi cụ thể, song các quyết định này cho thấy EU đã “linh hoạt” trong việc duy trì các quy định quản lý tài chính-kinh tế hiện hành, nhưng có sự điều chỉnh theo hoàn cảnh, tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán trong tương lai về thay đổi các hiệp ước không còn phù hợp.
Trên bình diện khu vực, Nhóm làm việc đặc biệt của các bộ trưởng tài chính và chuyên gia kinh tế EU đã có nhiều đề xuất cụ thể giúp tổ chức này định hình lại chính sách ổn định kinh tế và quản lý tài chính.
Pháp và Đức đóng góp không nhỏ cho chiến lược của EU vào lúc xuất hiện những đánh giá tiêu cực về kinh tế EU cũng như đồng euro, hai đầu tàu kinh tế khu vực đã vượt qua bất đồng để hợp tác thúc đẩy chính sách kinh tế chung, góp phần dẫn đến kết quả tại Hội nghị Brussels.
EU đã không đơn độc trong chiến dịch tìm kiếm công cụ khôi phục kinh tế. Ngoài sự ủng hộ của IMF, chiến dịch của EU còn nhận được sự hoan nghênh của Ngân hàng Thế giới (WB), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8), cũng như các cường quốc kinh tế thế giới là Trung Quốc và Mỹ.
Lo ngại khủng hoảng nợ ở châu Âu có thể kéo sập nền kinh tế toàn cầu, các thể chế và quốc gia này liên tục hối thúc EU khôi phục sự ổn định trong Khu vực đồng euro hoặc có hành động “đặc biệt” để ngăn chặn mầm dịch khủng hoảng nợ lan từ Hy Lạp sang các nước thành viên khác và lan ra toàn thế giới.
Những công cụ mà EU có được trong chiến dịch tìm kiếm khó khăn, gian khổ vừa qua có thể là chưa đủ. EU có thể còn phải tìm ra chiếc gậy thần để “hô biến” những đám mây đen trên bầu trời và làm sống lại giấc mơ siêu cường kinh tế thế giới. Hy vọng câu ngạn ngữ “cái khó ló cái khôn” sẽ đúng với EU./.