Ngày 4 tháng 5, nghiên cứu "Dự án xanh mới toàn cầu, tư duy lại về phục hồi kinh tế" được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố đã xếp châu Á đứng đầu thế giới về đầu tư "xanh" trong các gói đầu tư phục hồi kinh tế và việc làm nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Giám đốc chấp hành UNEP Achim Steiner nhấn mạnh cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã củng cố nhận thức cơ bản cho rằng đầu tư vào môi trường là chìa khóa giải quyết hàng loạt các thách thức từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực đến cạn kiệt tài nguyên và thất nghiệp.
Trong khi nhiều nền kinh tế thế giới đã tận dụng được cơ hội này, điển hình là Hàn Quốc và Trung Quốc, các nền kinh tế khác vẫn còn khoảng cách lớn giữa mục tiêu và hành động.
Hàn Quốc đã dành tới 95% các gói kích thích kinh tế vượt qua khủng hoảng đầu tư vào môi trường.
Chương trình 5 năm đầu tư phát triển "xanh" của Hàn Quốc dự kiến dành 60 tỷ USD để giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế thải CO2 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "xanh" vào năm 2020 và tạo thêm 1,8 triệu việc làm.
Trung Quốc đã dành hơn 1/3 nguồn tài chính trong các gói kích thích kinh tế, tương đương 3% tổng thu nhập nội địa (GDP), để đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế "xanh".
Trong khi đó, đầu tư phát triển "xanh" của Mỹ chỉ đạt mức 0,7% GDP và Liên minh châu Âu (EU) đạt 0,2% GDP của toàn khối.
Nghiên cứu của UNEP nêu rõ trong tổng các gói tài chính kích thích kinh tế lên tới 3.000 tỷ USD của các nước thuộc nhóm G-20, chỉ có 460 triệu USD được dành đầu tư phát triển "xanh", chiếm 15% tổng giá trị các gói kích thích kinh tế và 0,7% GDP của nhóm này.
Nếu những nước này loại bỏ 300 tỷ USD trợ cấp sử dụng nhiên liệu hóa thạch mỗi năm cũng đủ để giảm 6% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tăng GDP toàn cầu thêm 0,1%.
Liên hợp quốc khẳng định các vấn đề an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và nghèo đói toàn cầu sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu thế giới thất bại trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh các nền kinh tế toàn cầu.
Sáng kiến kinh tế "xanh" (GEI) của UNEP nhằm trợ giúp các nước "xanh hóa" nền kinh tế thông qua việc định hướng lại các chính sách phát triển, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sạch, năng lượng tái sinh, vận tải "xanh," dịch vụ nước và quản lý nước, xây dựng "xanh" và nông, lâm nghiệp bền vững./.