Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/05/2010-13:08:00 PM
Quỹ IMF kêu gọi Tây Ban Nha cải cách ngân hàng
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 24 tháng 5 đã kêu gọi Tây Ban Nha khẩn trương cải cách hệ thống ngân hàng và thị trường lao động nếu không muốn đi theo vết xe đổ của Hy Lạp.
Cuộc khủng hoảng nợ đang có nguy cơ lan tiếp sang Tây Ban Nha và nhiều nước châu Âu.
Trong báo cáo đưa ra sau các cuộc tham vấn với chính phủ, IMF cho rằng Tây Ban Nha cần phải tiến hành cải cách sâu rộng và tổng thể nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách đang ở mức báo động và những tác động gia tăng từ cuộc
khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang lan rộng sang các nước khác trong khu vực.
Theo IMF, hiện Tây Ban Nha đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn như thị trường lao động khó khăn, bong bóng bất động sản có nguy cơ nổ tung, thâm hụt ngân sách lớn, nợ nước ngoài và khu vực tư nhân quá cao, hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh yếu kém, đặc biệt khu vực ngân hàng luôn ở trong tình trạng khan hiếm tiền mặt.
IMF nhấn mạnh để tránh một kịch bản "Hy Lạp" có thể xảy ra, Tây Ban Nha cần phải có nỗ lực tổng thể trong chính sách tài chính nhiều tham vọng của mình, trong đó đặc biệt tập trung vào khu vực ngân hàng và thị trường lao động.
IMF thúc giục Chính phủ của Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero tiến hành các biện pháp cải cách và "thắt lưng buộc bụng" dựa trên những tiến bộ đạt được từ việc cải cách thị trường lao động. Báo cáo của IMF cho rằng kinh tế Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn ổn định sau cuộc khủng hoảng kéo dài 2 năm qua. Tuy nhiên, tổ chức tài chính này nhận định rằng sự phục hồi này vẫn yếu kém và vì vậy chính phủ không nên trì hoãn các kế hoạch cải cách. Đề cập đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, IMF dự báo Tây Ban Nha có thể đạt mức tăng trưởng 1,5-2% trong giai đoạn trung hạn.
Trước đó, IMF cũng đưa ra cảnh báo về mức nợ công nguy hiểm ở các quốc gia châu Âu cùng với lời kêu gọi châu lục này hành động mạnh mẽ nhằm chặn đứng chiều hướng nợ công tăng vọt. Báo cáo nêu rõ các nước châu Âu phải giảm nợ công và cân bằng ngân sách, nhưng cần tránh áp dụng các biện pháp mạnh ngay lập tức vì điều này có thể đẩy châu lục trở lại thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên, các nỗ lực củng cố tài chính cấp bách là yêu cầu bắt buộc đối với những nước có mức độ tin cậy về tài chính thấp.
Do lo ngại khu vực ngân hàng Tây Ban Nha sụp đổ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng mới tại nước này. Trong phiên giao dịch ngày 24 tháng 5, tỷ giá đồng euro tiếp tục giảm so với đồng USD. 1 euro chỉ đổi được 1,2378 USD, giảm so với mức 1,2570 trong phiên giao dịch ngày 23 tháng 5./.

TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 713
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)