Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ngày 9/9, cho rằng tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu đang diễn ra chậm hơn so với dự kiến, trong khi đó nhiều quốc gia cần tiếp tục đưa ra các gói kích thích kinh tế cho dù khả năng về một làn sóng suy thoái mới rất khó xảy ra.
Theo đánh giá của OECD, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) có thể sẽ chậm lại với mức 1,5% trong sáu tháng cuối năm 2010 so với mức dự báo 1,75% tổ chức này đưa ra hồi tháng Năm.
OECD cũng lưu ý rằng những đánh giá trên chịu sự "không chắc chắn lớn" và vẫn còn chưa rõ ràng liệu sự chậm lại này phản ánh những yếu tố mang tính tạm thời hay báo hiệu sự kìm hãm sâu rộng hơn.
Nhà kinh tế trưởng thuộc OECD Pier Carlo Padoan cho rằng sự không chắc chắn trên là do cả những yếu tố tiêu cực và tích cực, nhưng không có nhiều khả năng xảy ra một đợt suy thoái khác.
Báo cáo của OECD nhấn mạnh rằng nếu xu hướng trên là tạm thời, thì các chính phủ cần trì hoãn việc ngừng hỗ trợ tài chính trong vài tháng, đồng thời tiếp tục kiềm chế chi tiêu công.
Trong trường hợp xu hướng trên kéo dài, các chính phủ cần tăng cường các biện pháp kích thích, chẳng hạn như tiếp tục để các ngân hàng trung ương mua lại nợ doanh nghiệp và duy trì lãi suất xấp xỉ bằng 0.
OECD cho biết trong một vài tháng tới, chi tiêu tiêu dùng, động cơ chính trong nhiều nền kinh tế phát triển, có thể bị kiềm chế do tỷ lệ thất nghiệp và giá nhà giảm.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý rằng kinh tế toàn cầu có thể tận dụng được "một số sức mạnh," đặc biệt là lợi nhuận doanh nghiệp tăng, tình hình tài chính ổn định ở hầu hết các nước công nghiệp hóa.
OECD dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ đạt mức 2% trong quý 3 năm nay và 1,2% trong quý 4. Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng tương ứng là 0,6% và 0,7%.
Ở khu vực sử dụng đồng euro, tính trung bình tốc độ tăng trưởng của ba nền kinh tế lớn nhất là Đức, Pháp và Italy, cũng chỉ đạt mức 0,4% và 0,6%./.