Ngày 26/5, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W.Michalak khẳng định quan hệ kinh tế Việt-Mỹ sẽ tiếp tục phát triển.
|
Doanh nghiệp Mỹ có thế mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực khai thác dầu khí
|
Tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp Việt Nam với 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ," ông Michael W.Michalak cho biết nhìn vào kết quả đạt được trong 15 năm qua, doanh nghiệp Mỹ sẽ có cơ hội lớn trên thị trường Việt Nam.
Cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ đã xác định và theo dõi những lĩnh vực tiềm năng nhất. Doanh nghiệp Mỹ có thế mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, khai thác dầu khí. Mới đây, VNPT ký thỏa thuận với một doanh nghiệp vệ tinh của Mỹ về việc thiết kế và sản xuất vệ tinh thương mại thứ hai của Việt Nam; TKV và doanh nghiệp Independent Power Producer (IPP) của Mỹ cũng đã liên kết với nhau trong việc xây dựng nhà máy điện ở Quảng Ninh.
Tại buổi tọa đàm, hai bên cũng đã nhìn lại quá trình hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Mỹ.
Sau khi Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) được ký kết vào năm 2001, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã có bước chuyển biến tích cực.
Năm 2001, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa hai nước mới đạt 1,4 tỷ USD nhưng năm 2009 con số này đã lên tới 15 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, với BTA, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng từ 1,05 tỷ USD năm 2001 lên tới 12 tỷ USD vào năm 2009.
Trong khi đó, trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2009, xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam vẫn tăng 11%, cao hơn so với các nước ASEAN.
Theo ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Mỹ đã và đang là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế-thương mại của Việt Nam. Quan hệ kinh tế-thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là mối quan hệ quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam./.