Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vào ngày 1/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra các quyết sách về phương hướng phát triển - kinh tế năm 2010, trong đó có việc tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất vay trung và dài hạn nhằm kích thích tăng trưởng...
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2009
|
Tại phiên họp, Chính phủ đã dành nhiều thời gian để phân tích, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2009; dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới…, từ đó, đưa ra các chính sách phản ứng kịp thời …
Nền kinh tế đang dần tăng tốc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực, thể hiện rõ nét nhất qua xu thế phục hồi của ngành công nghiệp và thị trường trong nước.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục tăng với tốc độ cao hơn so với tháng trước, ước tăng 13% so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung tháng 11, giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 11, sức tiêu dùng trong nước đã có những phục hồi đáng kể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xu hướng phục hồi kinh tế cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư đã tác động tích cực đến niềm tin của các nhà đầu tư, nhờ đó, số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng lên. Ước 11 tháng đầu năm cả nước có khoảng 76.500 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2008.
Đặc biệt, trong tháng 11, lượng khách du lịch đến Việt Nam có sự tăng vọt ước đạt khoảng trên 387 nghìn lượt khách (tăng 70,2% so với tháng trước).
… nhưng vẫn còn không ít lực cản
Trước sự chuyển động tích cực của nền kinh tế, các thành viên Chính phủ cũng nhận định, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chếnhưtrong hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI; chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng tăng cao hơn so với tháng trước…
Trong thời gian tới, đà phục hồi kinh tế thế giới được dự báo sẽ mạnh hơn so với năm 2009 nhờ tác động của các nhân tố như các chính sách kích thích kinh tế tiếp tục phát huy tác dụng, hệ thống tài chính phục hồi nhanh hơn dự đoán, các đầu tầu kinh tế lớn của thế giới (Mỹ, Nhật Bản…) đều có sự phát triển khả quan hơn…
Tuy nhiên, dự báo mức độ phục hồi sẽ có sự khác biệt giữa các quốc gia và khu vực do tác động của các yếu tố: mức độ cạnh tranh giữa các nước dựa vào xuất khẩu sẽ căng thẳng hơn; nhiều nước phát triển rơi vào tình trạng thiếu vốn; nguy cơ lạm phát do giá hàng hóa tăng cao; nguy cơ thâm hụt ngân sách tăng mạnh do chính phủ các nước tiếp tục thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế…
Các thành viên Chính phủ cho rằng, những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới sẽ có tác động trực tiếp tới nền kinh tế nước ta với mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng. Bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đứng trước một số khó khăn, thách thức, trước hết là trong lĩnh vực xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài…
Đòi hỏi tiếp tục kích thích kinh tế
Trên cơ sở phục hồi của nền kinh tế, đồng thời trước những diễn biến của tình hình tiền tệ, tín dụng, giá cả và sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đề nghị của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, Thủ tướng quyết định dừng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động ngắn hạn theo Quyết định số 131/QĐ-TTgban hành tháng 1/2009 theo thời hạn như đã quy định (31/12/2009).
Về các quyết định hỗ trợ lãi suất ban hành trong tháng 4/2009, gồm Quyết định 443/QĐ-TTgđối với các khoản vay trung và dài hạn và Quyết định 497/QĐ-TTgđối với khoản vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp… tiếp tục thực hiện trong năm 2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao thường trực Chính phủ và các Bộ liên quan tổng hợp, xem xét việc điều chỉnh, bổ sung về mức hỗ trợ, đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất cho phù hợp với thực tế và công bố trong thời gian tới.
Điều quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh “các ngành, các cấp và toàn dânphải có sự nỗ lực cao độđể tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2009, năm 2010…”.
“Chúng ta phải đảm bảo được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% song vẫn giữ được mức độ lạm phát ở khoảng 7%”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận, cho ý kiến đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng; cải cách thủ tục hành chính; cho ý kiến đối với dự án Luật Lưu trữ…
Chính sáchhỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngân hàng của các tổ chức, cá nhân bằng đồng Việt Nam theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng tích cực đến nền kinh tế. Qua đó, đã thực hiện được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất-kinh doanh, mở rộng đầu tư, giảm giá thành sản phẩm, tạo việc làm…
Dư nợ hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ đến cuối tháng 11/2009 khoảng 380.000 tỷ đồng, ước cuối tháng 12/2009 là 400.000 tỷ đồng.
Dư nợ hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn theo Quyết định 443 của Thủ tướng Chính phủ đến cuối tháng 11/2009 khoảng 59.000 tỷ đồng, ước cuối tháng 12/2009 là 70.000 tỷ đồng…
|
Cổng thông tin điện tử Chính phủ