Trong quý I/2010, GDP của Singapore tăng 15,5%; của Malaysia là 10,1%; Philippines tăng gần 7,3%; Thái Lan, bất chấp sự bất ổn về chính trị cũng tăng 12% so với cùng kỳ 2009. Điều này đã làm nhiều nhà phân tích ngạc nhiên.
|
Sự phục hồi ở Đông Nam Á vẫn đang đi đúng hướng một cách vững chắc
|
Sự phục hồi hình chữ V
Các số liệu tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế ở Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2010 cho thấy một sự phục hồi hình chữ V mạnh mẽ của các nền kinh tế này.
Nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Lei Lei Song nhận xét, bất chấp những bất ổn mới đây của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, sự phục hồi ở Đông Nam Á vẫn đang đi đúng hướng một cách vững chắc.
Kinh tế Đông Nam Á đã ở trong trạng thái tương đối tốt từ những cải cách tài chính được thực thi sau cuộc khủng hoảng châu Á giai đoạn 1997- 1998. Chính phủ các nước trong khu vực đã có đủ không gian tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy sự thanh khoản và bơm tiền cho nền kinh tế. Gói kích thích cho phép Đông Nam Á đối phó với suy thoái toàn cầu và hoạt động tốt hơn so với dự kiến và cũng tốt hơn so với nhiều nền kinh tế khác.
Đây là dấu hiệu phục hồi hình chữ V trong năm 2010 với những mức độ khác nhau,đangdiễn ra ở tất cả 10 nền kinh tế của ASEAN.
Thị trường Trung Quốc là điểm đến quan trọng
Một nhân tố quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của các nước ASEAN là lực kéo của nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc. Mặc dù nhu cầu trong nước của khu vực Đông Nam Á cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, Trung Quốc vẫn là một điểm đến quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu khu vực, thường bao gồm cả các mặt hàng hướng tới tái xuất sang phương Tây (xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước thuộc EU tháng 5 tăng 49% so với cùng kỳ năm trước).
ADB dự đoán tốc độ tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 5,1% trong năm nay, tăng so với mức 4,3% của năm 2008 và 1,3% của năm 2009. Hầu hết các nhà kinh tế vẫn lạc quan cho rằng khu vực Đông Nam Á có thể tránh được sự suy thoái kép.
Theo các chuyên gia, nếu như một cuộc khủng hoảng mới tái diễn ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới, Đông Nam Á chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng từ sự suy giảm nhu cầu bên ngoài. Tuy nhiên, tác động của bất kỳ cuộc khủng hoảng mới nào bên ngoài châu Á đến khu vực này cũng sẽ nhỏ hơn nhiều so với tác động của cuộc suy thoái giai đoạn 2008-2009 vừa qua./.
Nguyễn Chiến
Cổng thông tin điện tử Chính phủ