Thực hiện quyết định số 70/QĐ-BKH ngày 18 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo năm 2010 cho Học viện Chính sách và Phát triển và được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính sách và Phát triển vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến trong năm 2010. Theo đó, Học viện sẽ tuyển 300 chỉ tiêu khối A (Toán-Lý-Hóa) cho ba ngành Kinh tế (150 chỉ tiêu), Chính sách công (100 chỉ tiêu) và Tài chính-Ngân hàng (50 chỉ tiêu).
Học viện Chính sách và Phát triển được thành lập theo Quyết định số 10/QĐ – TTg ngày 4/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ, là một trường Đại học công lập, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư-là cơ quan tổng tham mưu về đường lối phát triển và quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư- nên có điều kiện thuận lợi hơn hẳn các cơ sở đào tạo bậc đại học khác về kết hợp giảng dạy và đào tạo, cũng như về thực hành cho sinh viên trong lĩnh vực hoạch định chính sách phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quản lý đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA). Về mặt tổ chức, Học viện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; về mặt chuyên môn, Học viện là cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục đại học quốc gia, chất lượng và quy chuẩn đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quản lý. Nhiệm vụ của Học viện là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, chính sách công, chính sách phát triển, kinh tế đối ngoại, tài chính-ngân hàng cho các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế,…đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Học viện sẽ được xây dựng theo mô hình của các trường đại học có uy tín ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc…có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu khoa học tốt cho sinh viên và giảng viên. Học viện phấn đấu để trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, đứng vào nhóm những trường đại học có thứ hạng cao trong hệ thống các trường đại học ở khu vực.
Học viện Chính sách và Phát triển đã và đang phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi với các Trường đại học trên thế giới như: Đại học Fribourg (Thụy Sĩ); Trường Đào tạo sau Đại học về Hành chính công IDHEAP (thuộc Đại học tổng hợp Lausanne, Thụy Sĩ); Trường Quản lý HEC (Hautes Etudes Commerciales), Paris, Cộng hòa Pháp; Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), Học viện Phát triển Quản lý (Singapore), Trường Đại học tổng hợp bang California (Mỹ), Đại học công nghệ Đài Loan (Đài Loan), và Trường KDI School, Hàn Quốc. Thông qua mối quan hệ hợp tác quốc tế, sinh viên có điều kiện tiếp xúc phương pháp đào tạo hiện đại và tham gia nghiên cứu khoa học cũng như học tập ở nước ngoài qua các chương trình liên kết đào tạo giữa Học viện với các Trường đại học của nước ngoài.
Chương trình đào tạo của Học viện được xây dựng theo mô hình tiên tiến, hiện đại trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tham khảo chương trình gốc của các trường đại học uy tín trên thế giới. Nhiều tài liệu, giáo trình của nước ngoài sẽ được sử dụng để giảng dạy tại Học viện. Chương trình học Tiếng Anh được thiết kế với thời lượng lớn với mong muốn là trong những năm cuối của khóa học sinh viên có thể nghe giảng một số môn học quan trọng bằng tiếng Anh.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2010, Học viện tuyển sinh cho hệ đại học chính quy trên cơ sở kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học viện chỉ tuyển những thí sinh thuộc khu vực phía Bắc từ tỉnh Quảng Bình trở ra và điểm trúng tuyển được xét theo ngành, chuyên ngành và điểm sàn vào Học viện.
Các chuyên ngành mà Học viện tuyển sinh đối với bậc đại học năm 2010 là những chuyên ngành mới, trọng điểm, có nhu cầu cao về nguồn nhân lực hiện nay như: Quy hoạch phát triển, Kế hoạch Phát triển, Chính sách công, Chính sách phát triển, Kinh tế đối ngoại (Quản lý ODA và FDI) và Tài chính công.
Sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo của Học viện có đủ năng lực làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương (các Bộ, các Sở, Ban, Ngành), các cơ quan nghiên cứu kinh tế - xã hội, các tổ chức quốc tế, giảng dạy tại các trường đại học và làm việc tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
File đính kèm: Cấu trúc ngành và chuyên ngành tuyển sinh đại học chính quy.pdf
Học viện Chính sách và Phát triển