Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/08/2010-14:57:00 PM
Giới đầu tư chú ý nhiều hơn đến Đông Nam Á
Kinh tế châu Á không chỉ có duy nhất Trung Quốc - đây là một quan điểm ngày càng lộ rõ nơi giới đầu tư quốc tế khi nhìn về châu Á.

Singapore có thể đạt kỷ lục với tăng trưởng 15% trong năm nay
Xưa nay, họ luôn nhìn về Trung Quốc, đầu tàu kinh tế châu Á, với tốc độ tăng trưởng 9-10%, và quý II vừa qua lại vượt Nhật Bản trong tư thế cường quốc kinh tế thứ hai thế giới về quy mô.
Nhưng hiện nay thì các nhà đầu tư bắt đầu có một cái nhìn khác. Họ chú ý đến các nước Đông Nam Á cũng có một tốc độ tăng trưởng cao và trong những điều kiện có khi lại lành mạnh hơn kinh tế Trung Quốc.
Hiện tượng trên đã được Nhật báo Anh, The Telegraph nêu bật trong bài viết tựa đề “Các nền kinh tế châu Á bước ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc”.
Tác giả bài viết Justin Harper nêu một loạt số liệu thống kê rất khả quan về tăng trưởng các nước trong vùng.
Singapore đạt kỷ lục với tăng trưởng 15% dự báo cho năm nay, nhưng theo gót Singapore cũng có nhiều ngôi sao sáng khác như Malaysia (7%), Indonesia (9,6%), chưa kể đến Hàn Quốc, Philippines...
Nếu sau khủng hoảng toàn cầu 2008-2009, khi nói đến sự phục hồi kinh tế của châu Á, giới phân tích thường nêu lên trường hợp của Trung Quốc và kế đến là Ấn Độ. Thế nhưng các nước láng giềng Đông Nam Á cũng đã trỗi dậy, và khu vực càng trở nên hấp dẫn khi mà Việt Nam và Thái Lan đang vươn lên, bên cạnh nhiều tác nhân kinh tế vững vàng như Singapore.
Các nước Đông Nam Á đang thay đổi có nhiều lá bài hấp dẫn đầu tư: đô thị hoá nhanh, xây dựng nhiều hạ tầng cơ sở mới, một tầng lớp trung lưu đang phát triển và ngày càng tiêu thụ nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, các nước Đông Nam Á đang hấp dẫn các nhà đầu tư bởi một số lý do.
Thứ nhất, về bối cảnh chung, 3 đầu máy kinh tế công nghiệp hóa là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều sa sút, sẽ tiêu thụ ít đi và cố trả nợ nhiều hơn trong những năm tới. Gặp hoàn cảnh ấy, các nướcchâu Á nói chung đều phải tự điều chỉnh chiến lược phát triển là giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất cảng vì các thị trường xuất cảng châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều co cụm.
Trong khi đó, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu là nhờ đầu tư hơn là tiêu thụ. Mà đầu tư là do kế hoạch tăng chi và bơm tín dụng, với hậu quả thực tế là các chính quyền địa phương bị mắc nợ rất nặng. Tổng số nợ có thể lên tới một phần ba GDP, chưa kể khoản vay cũng rất lớn của các tổng công ty thuộc trung ương. Với giới đầu tư thì sức tiêu thụ ở thị trường nội địa Trung Quốc vẫn còn thấp, chưa thể là đầu máy thay thế hay bù đắp cho sự sa sút của xuất khẩu.
Thứ hai, từ 5 tháng nay, giới đầu tư cũng thấy một thay đổi mới là lao động Trung Quốc ồ ạt đòi tăng lương. Do vậy, lợi thế nhân công rẻ của Trung Quốc đang giảm dần.
Và cuối cùng, vì lý do nội bộ, Trung Quốc nay có thái độ cứng rắn với doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, Trung Quốc giảm dần sức hấp dẫn và giới đầu tư bắt đầu nhìn qua hướng khác.
Trong bối cảnh đó, khu vực Đông Nam Á có tới gần 600 triệu dân và là thị trường đa diện vì gồm nhiều quốc gia khác nhau với thu nhập trung bình là 6.000 USD tính theo tỷ giá sức mua. Nhờ sự đa diện ấy mà họ lại có thể bổ sung cho nhau, là trường hợp khó thấy tại Trung Quốc nếu ra khỏi các tỉnh duyên hải.
Khi kinh tế thế giới phải điều chỉnh trong hoàn cảnh mới, các nước Đông Nam Á cũng phải điều chỉnh để bình ổn lại cơ cấu vĩ mô và ít lệ thuộc hơn vào xuất khẩu. Họ điều chỉnh được vì đã trải qua kinh nghiệm khủng hoảng thời 1997-1998 mà Trung Quốc không trải qua.
Có thể thống kê một số ưu thế của khu vực Đông Nam Á.
Thứ nhất, các quốc gia này có tốc độ tăng trưởng cũng rất cao, từ 6 đến 7%, lại có cơ cấu vĩ mô khá hợp lý sau khủng hoảng lần trước, cụ thể là ít bị bội chi ngân sách và không mắc nợ nhiều.
Thứ hai, khi đầu tư thì giới doanh nhân quốc tế nghĩ ngay đến thị trường tiêu thụ. Số dân gần 600 triệu có thu nhập bình quân cao là một thị trường có triển vọng.
Thứ ba, dân số của các nước khu vực này còn trẻ, thành phần có tay nghề cũng đông nên năng suất lao động không thua kém nguồn nhân lực tại Trung Quốc.
Thứ tư, hạ tầng cơ sở luật lệ thông thoáng, đa số người dân lại thông thạo Anh ngữ cũng là một lợi thế.
Thêm nữa, các nước ASEAN có quan hệ kinh doanh nhiều với châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, nên có sẵn quan hệ và thói quen kinh doanh với các nền kinh tế tiên tiến. Giới đầu tư có nhìn vào khu vực này để tìm giải pháp thay thế thị trường Trung Quốc thì cũng là hợp lý.
Dệt may Nhật Bản nhìn về Đông Nam Á
Trong nỗ lực đối phó với chi phí sản xuất gia tăng và nguy cơ đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh, Tokyo Style Co. và một số doanh nghiệp dệt may khác của Nhật Bản đã bắt đầu cắt giảm một phần sản lượng ở Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam và một số nước châu Á khác.
Theo Nhật báo Nikkei,sản lượng mà Tokyo Style Co. chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể lên tới 20.000 đến 30.000 đơn vị sản phẩm/năm.
Cùng với Tokyo Style Co., Yamato International Inc. - một doanh nghiệp khác của Nhật Bản có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, sẽ tăng tỷ lệ sản lượng ở khu vực Đông Nam Á từ mức 8% hiện nay lên 30% vào năm 2014. Trung Quốc hiện chiếm tới hơn 70% sản lượng của doanh nghiệp đang quản lý thương hiệu thời trang Crocodile này.
Yamato International Inc. dự định sẽ chuyển một phần sản lượng ở Trung Quốc sang các doanh nghiệp đối tác ở Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Myanmar. Tập đoàn này cũng đang cân nhắc về sản lượng tại thị trường Bangladesh.
Trong khi đó, Konaka Co. Ltd. - hãng quần áo nam của Nhật Bản – dự định cũng sẽ tăng sản lượng áo vét nam ở Ấn Độ từ 20% hiện nay lên 35%.
Nguyễn Chiến
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 785
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)