Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/01/2010-09:56:00 AM
Lạc quan về kinh tế toàn cầu
Viện Nghiên cứu Carnegie (Mỹ) vừa tổ chức cuộc trao đổi với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Viện Tài chính quốc tế (IIF), Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) về tình hình kinh tế thế giới và dự báo triển vọng 2010.

Năm 2009, kinh tế thế giới đã tránh được sự lây lan của những hậu quả xấu

Các chuyên gia cho rằng năm 2009 là một trong những năm tình hình kinh tế xấu nhất trong lịch sử gần đây nhưng lại kết thúc bằng một số dấu hiệu tích cực cho thấy các nền kinh tế lớn đang thoát khỏi suy thoái.
Vào tháng 1/2009, IMF dự đoán các nền kinh tế phát triển sẽ chưa ra khỏi suy thoái trước giữa năm 2010. Tuy nhiên các nền kinh tế này đã đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2% trong quý III/2009; còn các nền kinh tế mới nổi đã đạt tốc độ tăng trưởng tới 8% trong quý II và III, cao hơn dự báo khoảng 2%. Ngoài ra, thương mại và sản lượng công nghiệp toàn cầu đều phục hồi mạnh.
Theo các chuyên gia, những nhân tố chính dẫn tới sự phục hồi mạnh hơn dự kiến trong năm 2009 là do hầu hết các chương trình cứu trợ tài chính và kích thích kinh tế ở các nền kinh tế phát triển đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, châu Á, nơi nền tảng kinh tế (như tài chính và ngân sách công) vốn đã lành mạnh trước khủng hoảng, đã phục hồi nhanh, kéo theo sự phục hồi của kinh tế thế giới. Thế giới đã tránh được sự lây lan của những hậu quả xấu, như khủng hoảng nợ quốc gia, đua nhau hạ giá hối đoái và chiến tranh thương mại.
Trong cuộc trao đổi, các chuyên gia tỏ ý lạc quan về tình hình kinh tế năm 2010, nhờ những nhân tố chủ yếu sau: Các nền kinh tế đang nổi lên, vốn không bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và có nền tảng kinh tế mạnh, đang đóng vai trò ngày càng lớn và nhờ đó sẽ hỗ trợ tiến trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Các công ty Mỹ, đặc biệt là ngoài khu vực tài chính, đã phản ứng nhanh và kiên quyết với khủng hoảng, nhờ đó mà đã đạt mức lợi nhuận cao hơn dự đoán trong năm 2009. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các công ty sớm phục hồi nhu cầu lao động, tích trữ hàng hoá và đầu tư và vì thế tình hình việc làm sẽ được cải thiện từ giữa 2010.
Chính sách của các quốc gia về cơ bản vẫn tích cực. Phần lớn chương trình kích thích kinh tế chưa đi vào thị trường, ví dụ Mỹ mới chỉ chi có 1/3 kế hoạch kích thích kinh tế cả gói. Các chương trình cứu trợ tài chính đang được rút dần tuỳ theo tín hiệu của thị trường. Chính sách lãi suất thấp sẽ tiếp tục khuyến khích tiêu dùng và làm tăng nhu cầu đầu tư.
Tuy nhiên, có một số nhân tố có thể cản trở tiến trình phục hồi. Đó là với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 10% ở các nền kinh tế phát triển, tiền lương thấp và mức tăng thu nhập chậm, nhu cầu tiêu dùng sẽ chưa tăng nhanh; khu vực kinh tế tư nhân yếu sẽ làm cho tiến trình phục hồi kinh tế chậm; do thua lỗ lớn, các ngân hàng sẽ phải cắt giảm tín dụng và cho vay. Đặc biệt các ngân hàng khu vực sẽ chịu ảnh hưởng xấu của thị trường tài sản thương mại yếu.
Về những nhân tố có thể tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực, tới triển vọng kinh tế 2010, các chuyên gia cho rằng: Giá nguyên liệu có thể giảm mạnh, làm tăng lợi nhuận ở các nền kinh tế phát triển; lạm phát và bong bóng tài sản thương mại đang tăng lên, nhưng chỉ xuất hiện ở một số nước, chứ không lan rộng ra quy mô toàn cầu; chính sách thắt chặt tiền tệ có thể trở thành nhân tố lớn nhất cản trở tiến trình phục hồi. Các quy định mới về tài chính, như yêu cầu vốn cao hơn, nếu được áp dụng sớm có thể gây khó khăn cho khu vực ngân hàng; nợ đang trở thành gánh nặng đối với các nền kinh tế lớn, trong đó có cả Mỹ và Anh. Các nền kinh tế mắc nợ nhiều sẽ buộc phải tính tới nhiều giải pháp, như tăng thuế, thay đổi cơ cấu nợ hoặc quay trở lại với các chính sách tài chính bền vững hơn; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cũng là vấn đề cần theo dõi, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức cao…
Các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị: Chính sách kích thích tài chính cần được duy trì trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên kích thích tài chính chỉ có tác dụng ngắn hạn chứ không phải chiến lược tăng trưởng. Tương tự như vậy, chính sách tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ cho phục hồi, nhưng phải thận trọng, tránh cho vay dễ dãi ồ ạt. Các nước cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tín dụng. Tín dụng cần có sẵn khi nhu cầu tăng lên.../.
Nguyễn Chiến
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 749
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)