Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/07/2010-10:08:00 AM
Trung Quốc bơm hàng tỷ USD vào cát dầu Canada
Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc đang từng bước đặt chân vào ngành công nghiệp cát dầu của Canada thông qua các cách tiếp cận mới.
Khu vực Alberta, Canada
Những cách tiếp cận mới là thành lập liên doanh hoặc nắm giữ một phần cổ phần, nhằm tránh các nguy cơ căng thẳng chính trị kể từ thất bại của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) trong nỗ lực mua lại Tập đoàn dầu mỏ Unocal (Mỹ) năm 2005.
Người đứng đầu trung tâm nghiên cứu dầu mỏ và khí đốt CLSA tại Hongkong, David Hewitt đánh giá: "Trung Quốc đang xây dựng một vành đai tiếp cận tinh vi, không thách thức bất cứ ai mà lặng lẽ chiếm tiên cơ và địa lợi."
Sau khi CNOOC không thể mua lại Unocal, các công ty Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào khu vực giàu tiềm năng cát dầu Alberta ở miền Tây Canada, ước tính có trữ lượng lên tới 175 tỷ thùng.
Chuyên gia phân tích năng lượng Tom Grieder thuộc IHS Global Insight nhận định, trữ lượng cát dầu của Canada đứng hàng cao nhất thế giới, nên không có gì khó hiểu khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào ngành này.
Về phần mình, Canada cũng gác lại những lo ngại khi các công ty quốc doanh Trung Quốc tăng cường mua các nguồn tài nguyên trọng yếu, do các nhà lập pháp nước này muốn thu hút thêm đầu tư sau cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng khẳng định: "Canada luôn chào đón các khoản đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực tài nguyên và năng lượng."
Trong diễn biến mới nhất, Quỹ chủ quyền quốc gia Trung Quốc đã nhất trí đầu tư 1,17 tỷ USD vào Tập đoàn cát dầu Penn West của Canada nhằm hỗ trợ phát triển nguồn tài nguyên cát dầu khổng lồ.
Hồi tháng Tư năm nay, Sinopec Corp - nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai Trung Quốc, ký thỏa thuận mua 9% cổ phần của Tập đoàn dầu mỏ Mỹ ConocoPhillips tại Syncrude Canada Ltd - nhà sản xuất cát dầu lớn nhất Canada - với giá 4,65 tỷ USD.
Trước đó, tháng Tám năm ngoái, PetroChina cũng thành công trong nỗ lực đầu tư 1,9 tỷ USD để nắm 60% cổ phần tại hai dự án cát dầu lớn của Athabasca Oil Sands Corp.
Trên thực tế, chi phí tinh lọc dầu cát đắt đỏ không làm nản lòng các công ty Trung Quốc, trái lại họ vẫn đang tiếp tục đổ xô vào các thị trường khác như châu Phi, Nam Mỹ và Trung Á nhằm đáp ứng nhu cầu tài nguyên khổng lồ cho nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh.
Theo số liệu thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ, Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với 8 triệu thùng/ngày.
Vậy nên, Trung Quốc cũng vừa ký thỏa thuận xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 8 tỷ USD tại Nigeria, động thái mới cho thấy sự tăng cường hiện diện của họ tại đất nước giàu vàng đen nhất châu Phi này.
Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng Trung Quốc (CSCEC), đại diện nhóm các nhà đầu tư nước này, đã ký thỏa thuận với chính quyền bang Lagos và Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Nigeria (NNPC) để xây dựng nhà máy lọc dầu tại trung tâm thương mại của Lagos, thành phố có 15 triệu dân đang sống trong cảnh mất điện thường xuyên.
Phát ngôn viên bang Lagos, ông Hakeem Bello cho biết, nhà máy lọc dầu được xây dựng ở khu thương mại tự do Lekki của bang, sẽ có khả năng lọc 300.000 thùng dầu/ngày và sản xuất 500.000 tấn khí đốt hóa lỏng/năm.
CSCEC sẽ góp 80% vốn đầu tư và 20% cổ phần còn lại thuộc về NNPC. Còn chính quyền bang Lagos tham gia dưới hình thức "góp" đất và cơ sở hạ tầng.
Nhà máy lọc dầu Lagos thuộc dự án xây dựng ba nhà máy lọc dầu và một tổ hợp hóa dầu trị giá 23 tỷ USD của Nigeria và là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại châu Phi. Theo NNPC, các nhà máy lọc dầu mới có thể tăng khả năng lọc thêm 750.000 thùng/ngày.
Là thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), xuất khẩu dầu thô đóng góp tới 90% nguồn thu ngoại tệ của Nigeria. Nhưng do các nhà máy lọc dầu hoạt động thiếu hiệu quả nên nước này vẫn phải nhập khẩu tới 60% nhu cầu nhiên liệu.
Bốn nhà máy lọc dầu của Nigeria có công suất lọc khoảng 445.000 thùng dầu/ngày, nhưng thực tế chúng mới chỉ khai thác chưa tới 30% công suất, do tham nhũng và hoạt động bảo dưỡng không đúng mức./.
Việt Khoa-Hoàng Hà
TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 888
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)