Ngày 18/3, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Nhật Bản có đủ nguồn lực, kỹ năng và sự cố kết xã hội cần thiết để phục hồi nhanh chóng sau thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/3.
|
Cảnh tàn phá sau trận động đất tại thành phố Ofunato, tỉnh Iwate, Nhật Bản ngày 16/3
|
Ông Abhas Jha, người đứng đầu đơn vị xử lý thảm họa ở Đông Á của WB nhấn mạnh chi phí để hàn gắn vết thương và phục hồi thảm họa khủng khiếp mà nước Nhật vừa trải qua có thể lên tới 180 tỷ USD, tương đương với 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này.
Các chuyên gia còn cho rằng thời gian để nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này hàn gắn vết thương và phục hồi là ít nhất 5 năm.
Thảm họa sẽ buộc Nhật Bản phải tư duy lại cẩn trọng hơn về kế hoạch xây dựng và bảo vệ đô thị, do đó, chi phí thực tế cho công cuộc tái thiết có thể còn cao hơn nữa.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế WB cũng nhấn mạnh thảm họa kép vừa qua sẽ không tác động dài hạn đến nền kinh tế thế giới cũng như đến tăng trưởng của Nhật Bản. Trái lại, thảm họa này có thể còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước "Mặt Trời mọc" vì tác động của nó đến GDP không lớn và chi phí cho tái thiết sẽ thúc đẩy tăng sản lượng nội địa của nền kinh tế.
Mới đây, Bộ trưởng Chính sách kinh tế và Tài chính Nhật Bản Kaoru Yosano cho biết thiệt hại kinh tế của các khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất do động đất và sóng thần chỉ chiếm chưa đầy 4,1% GDP.
Cùng ngày, Tập đoàn bảo hiểm AIG ước tính Chartis - công ty con của tập đoàn sẽ phải chi trả khoản bảo hiểm lên tới 700 triệu USD trong quý I năm 2011 do thảm họa kép vừa xảy ra tại Nhật Bản. Nếu gộp tất cả chi phí bảo hiểm của toàn bộ hệ thống AIG tại Nhật Bản, số tiền này có thể lên tới trên 5.700 triệu USD./.