(MPI Portal) - Ngày 08/7/2010, tại Hà Nội, Hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ 2010 (MDG) đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Ông Nguyễn Bích Đạt - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Christophe Bahuet - Phó trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và sự tham gia của các Bộ, ngành các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt (giữa) Ông Christophe Bahuet - Phó trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam (phải) Ông Trần Quốc Phương - Giám đốc Dự án. Ảnh: Lê Tiên (Báo Đấu thầu)
|
Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt nhấn mạnh năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cập nhật tình hình thực hiện và tập trung đánh giá tổng hợp, phân tích các thành tựu của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam trong chặng đường 10 năm qua; đồng thời, xác định khả năng và các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt để hoàn thành các mục tiêu MDG vào 2015 và dự kiến tên Báo cáo năm 2010 là “Việt Nam, trên đường hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ”.
Ông Christophe Bahuet - Phó trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu nêu rõ tầm quan trọng và kết quả của báo cáo thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam năm 2010. Ông đã nêu cao nỗ lực và cố gắng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, trong đó thực hiện các mục tiêu MDG, Việt Nam đạt được những thành quả quan trọng trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ; tiếp tục đạt được những tiến bộ vượt trội về bình đẳng giới…
Cụ thể như tính đến năm 2010, Việt Nam đã hoàn thành một phần lớn Mục tiêu Thiên niên kỷ đã cam kết trước cộng đồng quốc tế. Trên bình diện quốc gia, nhiều mục tiêu đã đạt cho năm 2015 đã đạt và vượt vào năm 2008 (như: xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vọng ở trẻ em, tăng cường sức khoẻ bà mẹ; sốt rét và các bệnh dịch khác được đẩy lùi; thiết lập đối tác toàn cầu vì phát triển).
Tuy nhiên, trong bản trình bày về quá trình chuẩn bị, tình hình thực tế và những đặc điểm chính của Báo cáo Ông Trần Quốc Phương - Giám đốc Dự án trình bày và cũng cần phải có những nỗ lực vượt bậc để có thể đảm bảo đạt được hai mục tiêu và ngăn ngừa tình trạng lây lan của HIV/AIDS (MDG6) và đảm bảo bền vững về môi trường (MDG7). Cụ thể là các mục tiêu:
- MDG1: Xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói;
- MDG2: Phổ cập giáo dục tiểu học;
- MDG3: Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ;
- MDG4: Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em;
- MDG5: Tăng cường sức khoẻ bà mẹ;
- MDG6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác;
- MDG7: Đảm bảo bền vững về môi trường;
- MDG8: Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.
Tại phần thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng để đạt được những thành tựu nổi bật nói trên là nhờ kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển của Việt Nam và các mục tiêu MDG đã được triển khai trên cơ sở huy động tối đa các nguồn lực trong nước, khơi dậy sự tham gia và đóng góp tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, huy động và sử dụng hiệu quả hỗ trợ của các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, và các tổ chức phi chính phủ.
Bên cạnh đó, những biến động không thuận lợi của tình hình kinh tế toàn cầu cũng đang là một thách thức đáng kể với Việt Nam trong việc duy trì bền vững các kết quả giảm nghèo nói riêng và kết quả thực hiện các mục tiêu MDG nói chung. Biến đổi khí hậu đang có xu hướng ngày càng trở nên rõ ràng hơn và có tác động sâu rộng đến hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân.
Vì vậy, đảm bảo thành quả bền vững trong thực hiện các mục tiêu MDG trong điều kiện đối mặt với các thách thức mới như tác động của khủng hoảng kinh tế, biến động giá lương thực, năng lượng, biến động về khí hậu là mục tiêu bao trùm nhất và cũng là một thách thức lớn nhất với Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2015 để hoàn thành quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ./.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư