(MPI Portal) - Chiều 26/5, tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tổ chưc Họp báo công bố Sách Xanh 2011, tổng quan về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trong năm 2010 và quý 1 năm 2011. Ngài Jean-Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam chủ trì buổi Họp báo.
Phát biểu tại buổi công bố, ngài Jean-Jacques Bouflet cho biết EU tự hào là đối tác chiến lược của Việt Nam trên tất cả các phương diện thương mại, đầu tư, kinh tế, chính trị và văn hóa.
|
Đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2010. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt trên 9 tỉ euro, tăng 37,9%, đem lại cho Việt Nam 4,9 tỉ euro thặng dư. EU vẫn tiếp tục là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Việt Nam đối với các mặt hàng giày dép (kim ngạch xuất khẩu 2010: 1,75 tỉ euro), thủy sản (739,2 triệu euro), cà phê (794,2 triệu euro) và đồ gỗ (720,5 triệu euro). Đồng thời, EU cũng là đối tác nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam (1,43 tỉ euro) trong năm 2010.
Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm do hậu quả của khủng hoảng toàn cầu năm 2008 - 2009, các nhà đầu tư EU có mức FDI cam kết trị giá 2,25 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 12% tổng vốn FDI cam kết (18,6 tỉ đô la Mỹ) mà Việt Nam nhận được trong năm 2010. Với mức vốn này, EU là đối tác đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau ASEAN (có tổng FDI cam kết ở mức 4,89 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010). Xét tới viện trợ phát triển chính thức (ODA), EU tiếp tục cung cấp nguồn vốn thiết yếu. Trong tổng số 7,9 tỉ đô la Mỹ vốn ODA mà các nhà tài trợ nước ngoài cam kết giúp Việt Nam trong năm 2011, Ủy ban Châu Âu và các quốc gia thành viên EU cam kết viện trợ trên 872 triệu đô la Mỹ.
Sách Xanh 2011 nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam đã phát triển khá tốt trong năm 2010 bất chấp tình trạng thiếu chắc chắn ngày một gia tăng trên toàn cầu và trong nước. Theo báo cáo thường niên này, tăng trưởng năm vừa rồi của Việt Nam vượt mức kỳ vọng với mức tăng đáng kể của kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp.
Liên quan đến vấn đề tăng trưởng kinh tế Việt Nam, ngài Jean-Jacques Bouflet cho rằng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã vươn tới một giai đoạn quan trọng đòi hỏi Chính phủ quyết định một cách rõ ràng việc triển khai các chính sách ủng hộ kinh doanh nhằm tăng cường lòng tin và theo đuổi các nỗ lực tự do hóa thương mại hướng tới việc duy trì một cách bền vững động lực phát triển. Trong năm 2009 và đầu năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động quyết đoán nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu./.
Sách Xanh 2011 là ấn phẩm do các Tham tán thương mại EU thực hiện và cống bố hàng năm. Cuốn sách bao gồm phần mở đầu về tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam năm 2010 và quý 1 năm 2011, cùng với chương riêng biệt về các khu vực kinh tế chủ chốt bao gồm dệt may, giầy dép, thủy sản, nông sản, dược phẩm, máy móc, ngân hàng và tài chính, giao thông, công nghệ và viễn thông, năng lượng, môi trường, bất động sản và xây dựng.
|
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư