Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/05/2010-09:19:00 AM
ASEAN+8: Cách tiếp cận mới đối với cấu trúc khu vực Đông Á
Khi trung tâm kinh tế của thế giới chuyển về Đông Á, thách thức đối với khu vực là xây dựng một cấu trúc mới phù hợp với vai trò ngày càng tăng của mình trong các vấn đề quốc tế.
16 nhà lãnh đạo các nước Đông Á cùng với Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 4 tháng 10/2009 tạiCha-am, Thái Lan
Không còn nghi ngờ gì khi các nước Đông Á đã có đại diện tương xứng trong Nhóm G20 vốn đang trở thành một diễn đàn quan trọng đối với hợp tác kinh tế quốc tế. Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn của châu Á, là những đại diện tiêu biểu của G20 bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Indonesia.
Tuy nhiên, G20 về bản chất không phải và không thể được coi là một tổ chức Đông Á mà là một tổ chức phản ánh tương quan về sức mạnh kinh tế hiện nay. Tuy nhiên nó không phản ánh những khát vọng và trách nhiệm của một Đông Á đang mạnh lên.
Riêng đối với ASEAN, đã có không ít ý kiến cho rằng ASEAN là một tổ chức khu vực thành công nhất trong nhóm các nước đang phát triển. Nó vừa đủ nhỏ để không đe dọa ai nhưng cũng đủ lớn để thu hút sự chú ý của các nước quan tâm vì tốc độ phát triển, vị trí chiến lược và một quy mô dân số không nhỏ của mình.
Bằng chứng về tầm quan trọng của ASEAN có thể được nhìn nhận trong vai trò là động lực hợp tác của các cơ chế như tiến trình ASEAN+3, Diễn đàn khu vực (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
Khu vực Đông Á không thiếu những ý tưởng và tầm nhìn lớn nhưng đã không thể biến chúng thành những định hướng cụ thể và kế hoạch khả thi cho khu vực và định hình thế giới, ông Hadi Soesastro-một học giả người Indonesia từng viết.
Một vấn đề quan trọng là ASEAN có khả năng trở thành một trung tâm đa tiến trình dẫn đến hội nhập Đông Á ở mức độ cao hơn?
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16 mới đây tại Hà Nội, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã bàn bạc về cấu trúc khu vực đang phát triển, trong đó có những đề xuất định hình lại cấu trúc khu vực. Các nhà lãnh đạo nhất trí bất kỳ một đề xuất nào cũng đều phải dựa trên nền tảng chính là ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN và cần được xây dựng và phát triển trên cơ sở các kết cấu hiện tại của ASEAN.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thảo luận và xem xét khả năng Hoa Kỳ và Nga tham gia vào cấu trúc khu vực, trong đó có EAS. Mô hình ASEAN+8 sẽ bao gồm ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand cùng vớiHoa Kỳ vàNga.
Nếu ASEAN+8 thành công thì uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ tiếp tục được củng cố bởi ASEAN đã thu hút các nước lớn vào cùng một diễn đàn để bàn bạc khả năng hợp tác.
Mô hình ASEAN+8 cũng có thể giúp thực hiện ý tưởng của Australia về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương, với ASEAN là trung tâm.
ASEAN vẫn đang thảo luận hướng thiết thực nhất để Hoa Kỳ và Nga tham gia vào cấu trúc khu vực. Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, có nhiệm vụ xem xét vấn đề này một cách chi tiết.
Nếu ASEAN mong muốn tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hợp tác Đông Á, ASEAN cần phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng ASEAN bằng cách thực thi tốt những quyết định đã được đưa ra./.
Hải Minh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1160
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)