Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/08/2010-14:49:00 PM
Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong Thập kỷ tới: Những lĩnh vực hợp tác mới
(MPI Portal) – Ngày 20/08/2010, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 16 được diễn ra với sự tham gia của Bộ trưởng các Chính phủ thuộc sáu quốc gia Tiểu vùng sông Mekong và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội nghị Ảnh: Thuý Quyên (MPI Portal)
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và thông qua các chiến lược, lộ trình và chương trình hành động, qua đó xác định những nhiệm vụ hợp tác trong nhiều lĩnh vực và khu vực ưu tiên tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Hội nghị cũng rà soát và tiếp tục hướng dẫn chuẩn bị chiến lược dài hạn tiếp theo cho Tiểu vùng sông Mekong. Hội nghị cũng thảo luận để đưa ra các biện pháp nhằm củng cố cơ sở hạ tầng vật chất, chính thức hoá các giao dịch và chi phí giao thông xuyên biên giới, cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Các Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng sẽ đưa ra các định hướng chung nhằm chuẩn bị cho Khuôn khổ chiến lược mới, dự kiến bao gồm:
Hành lang giao thông: Chương trình Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã đạt được nhiều thành tựu trong tăng cường kết nối cơ sở vật chất, đặc biệt là khả năng kết nối xuyên quốc gia theo những hành lang đã được xác định. Ba hành lang Tiểu vùng sông Mekong mở rộng ban đầu gọi là Hành lang Đông – Tây, Bắc – Nam, và phía Nam, đã và đang sắp hoàn thành.
Về hỗ trợ thương mại và giao thông: Các Bộ trưởng dự kiến sẽ thông qua một Chương trình Hành động nhằm hỗ trợ thương mại và giao thông. Kế hoạch này tập trung vào trọng tâm triển khai việc hỗ trợ giao thông, phối hợp và thống nhất các hành động được các bên quan tâm.
Các nước Tiểu vùng sông Mekong đã cùng nhau đưa ra các kế hoạch trong lĩnh vực Hỗ trợ thương mại và giao thông trong đó tập trung vào các Hiệp định Giao thông xuyên Quốc gia; các chiến lược hành động hỗ trợ thương mại và đầu tư; chuẩn đoán về CBTA (Hiệp định Giao thông xuyên Quốc gia) và các biện pháp TTF (hỗ trợ thương mại và giao thông) khác; Chương trình hành động và hỗ trợ thương mại giao thông;
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thuý Quyên (MPI Portal)
Về phát triển đường sắt
: Mục tiêu của Hội nghị là thông qua một chiến lược mới được hoàn thành nhằm kết nối đường sắt Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, qua đó định hướng cho việc phát triển hệ thống đường sắt hiệu quả và lồng ghép tại Tiểu khu vực.
Về lĩnh vực năng lượng: Mục tiêu thông qua một dự án nhằm thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, nguyên liệu sạch và hiệu quả năng lượng tại Tiểu khu vực, hướng tới phát triển năng lượng nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Về lĩnh vực nông nghiệp: Các sáng kiến để hoàn thiện Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp chủ chốt mới trong giai đoạn 2011-2015 được hoan nghênh. Chương trình nhằm giải quyết các thách thức phát sinh trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là những nơi gắn với thương mại mở rộng xuyên quốc gia về các sản phẩm lương thực và nông nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh và nông nghiệp.
Về du lịch: Các đại biểu tiếp tục đánh giá cao những nỗ lực nhằm bảo vệ di sản văn hoá, lịch sử và tự nhiên của Tiểu khu vực; giảm thiểu những tác động tiêu cực của tăng trưởng du lịch đối với môi trường xã hội; xúc tiến du lịch cho tiểu khu vực như một điểm đến duy nhất.
Phát triển nguồn nhân lực: Các Bộ trưởng dự kiến sẽ đánh giá công việc đang được thực hiện nhằm triển khai Khuôn khổ Chiến lược phát triển Nguồn nhân lực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và Kế hoạch hành động 2009-2012, nhằm giải quyết một loạt các quan ngại về giáo dục và phát triển kỹ năng, lao động và di cư, y tế và phát triển xã hội, bao gồm cả những công việc kiểm soát dịch bệnh lây nhiễm, những quan ngại về phát triển kinh tế xã hội đa ngành liên quan đến vấn đề giới và dân tộc thiểu số, HIV/AIDS, chống buôn bán người…
Về môi trường: Các Bộ trưởng dự kiến sẽ yêu cầu từng chính phủ tăng cường triển khai Chương trình Môi trường chủ chốt của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng qua giai đoạn II của chương trình, nhằm lồng ghép mạnh mẽ giữa nghị trình về biến đổi khí hậu với bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nghèo, xây dựng năng lực và các vấn đề an ninh lương thực nông thôn trong quản lý môi trường Tiểu vùng sông Mekong.
Dự kiến, chiều 20/8, Hội nghị sẽbế mạcvà đưa ra tuyên bố chung của các Bộ trưởng về Hội nghị GMS./.
Tóm lược về Chương trình Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS)
Kể từ năm 1992, sáu quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) – Campuchia, CHND Trung Hoa, CHDCND Lào, Myanmar, Thái Lan, và Việt Nam, đã tham gia một chương trình tổng thể về hợp tác kinh tế bao gồm giao thông, năng lượng, viễn thông, phát triển nguồn năng lực, quản lý tài nguyên và môi trường, hỗ trợ thương mại, đầu tư tư nhân, du lịch, và nông nghiệp với sự hỗ trợ của ADB và các đối tác phát triển khác.
Chương trình Tiểu vùng sông Mekong mở rộng giúp tạo ra lợi ích đáng kể cho các quốc gia cùng chia sẻ dòng sông Mekong. Các cơ hội và tăng trưởng kinh tế được nâng cao đáng kể và tỷ lệ nghèo đói đã giảm còn một nửa. Việc tăng cường kết nối giữa các quốc gia trong khu vực sông Mekong – qua phát triển hành làng giao thông, các hệ thống kết nối điện lực, các mạng lưới viễn thông, các thoả thuận về thương mại và giao thông – là chìa khoá dẫn đến tiến bộ về xã hội và kinh tế trongkhu vực.
Tiểu vùng sông Mekong mở rộng sẽ là cầu nối tự nhiên giữa hai nền kinh tế khổng lồ mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ. Việc hội nhập hiệu quả giữa các nền kinh tế này và Tiểu khu vực sẽ đem lại tiềm năng tạo nên một liên minh kinh tế và trải rộng hơn những lợi ích về sự hồi sinh kinh tế châu Á.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1757
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)