Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo “Đầu tư xuyên biên giới 2010” nhằm cung cấp các dữ liệu về luật pháp và những quy định ảnh hưởng đến vốn FDI tại 87 quốc gia trên thế giới.
Báo cáo dựa vào những điều tra với 4 chỉ số chính, gồm đầu tư trên các lĩnh vực; bắt đầu kinh doanh; tiếp cận đất công nghiệp và trọng tài thương mại trong các tranh chấp.
Bà Cecilia Sager thuộc Ban Môi trường đầu tư của WB cho biết, báo cáo trên cho thấy một số kết quả đáng chú ý như có đến 90% các nước giới hạn các công ty nước ngoài trong việc đầu tư vào một số khu vực kinh tế; 1/5 các nước yêu cầu các công ty nước ngoài phải qua giai đoạn xét duyệt đầu tư trước khi đầu tư vào khu vực công nghiệp chế tạo.
Riêng tại Đông Á -Thái Bình Dương, báo cáo lần này cho thấy đây là khu vực có nhiều hạn chế hơn so với các khu vực khác về phần vốn chủ sở hữu cho đầu tư nước ngoài.
Nhận xét về Việt Nam, bà Sager cho biết, Việt Nam có điểm số khá cao trong việc cung cấp thông tin về đất công nghiệp và là 1 trong 10 nước đứng đầu danh sách về việc cung cấp các thông tin này.
Tương tự, thời gian cho thuê đất công cộng của Việt Nam cũng nhanh hơn so với trong khu vực, trung bình mất khoảng 133 ngày (trung bình ở khu vực là 151 ngày). Đây là một điểm đáng khích lệ.
Về cho thuê đất tư thì Việt Nam lại mất nhiều thời gian hơn so với trong khu vực (120 ngày so với 66 ngày).
Riêng đối với tiêu chí thời gian cấp phép kinh doanh, Việt Nam ở trong danh sách các nước mà nhà đầu tư phải mất nhiều thời gian để có thể bắt đầu công việc kinh doanh tại đây (trung bình là 94 ngày). Lý do là tại Việt Nam, các công ty nước ngoài phải có giấy phép phê duyệt đầu tư trước và thời gian xem xét hồ sơ nghiên cứu khả thi mà doanh nghiệp phải nộp để xin giấy phép này là 57 ngày.
Riêng đối với tiêu chí trọng tài thương mại, báo cáo cho biết Việt Nam đang ngày một nhận thức rõ tầm quan trọng của cơ chế này trong nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam có nhiều cơ quan trọng tài, điều này cho thấy Việt Nam đang ngày một hiểu rõ hơn về việc xử lý các tranh chấp. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tin tưởng các phán quyết cho họ sẽ được giải quyết nhanh chóng ở Việt Nam so với các nước khác.
Bản báo cáo không xem xét các yếu tố khác cũng rất quan trọng với FDI như ổn định kinh tế vĩ mô, quy mô thị trường, tham nhũng, kỹ năng hay chất lượng của hạ tầng cơ sở. Tuy vậy, các chỉ số được đưa ra trong báo cáo lần này cung cấp điểm khởi đầu cho các chính phủ mong muốn cải thiện hơn nữa mức độ cạnh tranh đầu tư toàn cầu.
Linh Đức
Cổng thông tin điện tử Chính phủ