Theo kết quả khảo sát mới nhất về chỉ số tin cậy thương mại do Ngân hàng HSBC công bố ngày 25/5, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Ấn Độ và Việt Nam lạc quan nhất về triển vọng giao thương trong sáu tháng tới.
|
Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam
|
Phần lớn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam được hỏi (75% - tăng 10% so với đợt khảo sát cuối 2009) cho rằng khối lượng giao dịch thương mại sẽ tăng trong sáu tháng tới.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có cái nhìn lạc quan khi tin rằng rủi ro thanh toán từ phía người mua sẽ giảm (24% so với 7%).
Có một sự thay đổi rõ nét trong phần trăm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam (tăng gấp 3 lần so với đợt khảo sát trước) cho rằng mức độ rủi ro từ phía nhà cung cấp không thực hiện đúng thỏa thuận thương mại sẽ giảm (29% so với 3%).
Số đông các doanh nghiệp được hỏi (62%) cho biết nguyên nhân chính là do tình hình tài chính của các nhà cung cấp đã được cải thiện.
Tự tin hơn về khối lượng giao thương và có cái nhìn lạc quan hơn về các mức độ rủi ro liên quan đến người mua và nhà cung cấp, số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cho rằng nhu cầu tài trợ thương mại của họ sẽ tăng đã đạt đến 74% (tăng 8%).
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn nhận định Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất khi số đông các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam (52%) vẫn đang hoạt động giao thương với thị trường này, tiếp sau là các thị trường các nước Đông Nam Á (33%) và phần còn lại của châu Á (28%).
Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp vẫn đang giao thương với Trung Quốc đã giảm (52% so với 64%) và Đông Nam Á đã qua mặt thị trường các nước châu Á khác trở thành thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ hai đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận thị trường Đông Nam Á là thị trường nhiều triển vọng (tăng từ 14% lên 19%) trong khi con số này dành cho thị trường Trung Quốc lại giảm 9% so với kết quả lần khảo sát trước, từ 36% nửa cuối 2009 còn 27% ở thời điểm nửa đầu năm 2010.
Bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc Trung tâm thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định kết quả khảo sát lần này phản ánh rất rõ những thay đổi trên thị trường trong vòng sáu tháng qua cũng như sự nhận định lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam trong sáu tháng tới.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam kỳ vọng khối lượng giao thương tăng, hoạt động thương mại sôi động hơn và nhu cầu tài trợ thương mại sẽ tiếp tục tăng khi Việt Nam và các nước châu Á đã hồi phục khá mạnh mẽ.
Một tin mừng nữa là lần đầu tiên trong ba cuộc khảo sát đã được thực hiện, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đã bớt quan ngại về tác động tiêu cực của tỷ giá ngoại hối dù họ vẫn xem đây là một trong những thách thức lớn nhất cho phát triển kinh doanh.
Cuộc khảo sát này được thực hiện tại 17 thị trường bao gồm các thị trường trọng yếu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Mỹ Latinh, Mỹ, Canada và châu Âu. Đây là đợt khảo sát có quy mô lớn nhất trong đó 5.120 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã đưa ra các dự đoán của họ trong sáu tháng tới./.
Hà Huy Hiệp
TTXVN/Vietnam+