Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/02/2011-11:01:00 AM
Dòng vốn FDI sẽ phục hồi mạnh hơn trong năm 2011

Sau khi giảm mạnh trong giai đoạn 2008- 2009, rồi phục hồi khá trong năm 2010, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2011.
Bộ phận Phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí The Economist (Anh), trung tuần tháng 1/2011 cho biết sau khi giảm mạnh trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, tài chính, dòng vốn FDI toàn cầu đã tăng trở lại, nhưng sự cho đến nay sự phục hồi này vẫn rất yếu.
Tuy nhiên, trong năm 2011, tổng hợp các yếu tố như sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, lãi suất thấp, các tập đoàn đa quốc gia tập trung hơn vào việc mở rộng đầu tư và các thị trường đang nổi tiếp tục vững mạnh sẽ thúc đẩy FDI phục hồi mạnh hơn.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008-2009 đã tác động mạnh mẽ lên dòng vốn FDI. Sau khi giảm 16,5%, xuống còn 1.770 tỷ USD trong năm 2008, FDI tiếp tục giảm 40% xuống còn 1.060 tỷ trong năm 2009. Sự giảm sút này phản ánh tình trạng suy giảm tín dụng sẵn có, sự suy thoái sâu sắc ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển và tình trạng thoái lui (của các nhà đầu tư) trước rủi ro.
Sau khi giảm mạnh trong năm 2009, FDI toàn cầu phục hồi tương đối khá trong năm 2010 như là một kết quả của việc sản lượng toàn cầu tăng, lợi nhuận của các công ty phục hồi, lãi suất thấp và lòng tin dần dần tăng lên. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn thận trọng và sự phục hồi của dòng vốn FDI rất chậm chạp. Sự thiếu tin tưởng và cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu rõ ràng đã có ảnh hưởng xấu đến các dòng vốn FDI của các nước phát triển.
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu, một hoạt động có quan hệ chặt chẽ với dòng FDI, cũng có xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2010 trước khi có sự phục hồi trong nửa cuối năm 2010.
EIU ước tính dòng FDI toàn cầu trong năm 2010 tính theo USD chỉ tăng khoảng 4% so với năm 2009.
Mỹ vẫn là nước nhận FDI lớn nhất trong năm 2010. Trong số các thị trường đang nổi, châu Á là khu vực nhận FDI lớn nhất, 260 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là nước nhận được 100 tỷ USD, nhiều nhất châu Á và đứng thứ 2 toàn cầu.
EIU dự báo sự phục hồi của dòng FDI toàn cầu trong năm 2011 sẽ mạnh hơn. Tận dụng mối quan hệ chặt chẽ giữa M&A xuyên biên giới và FDI toàn cầu, dự báo M&A xuyên biên giới trong năm 2011 sẽ tăng khoảng 20%, dẫn đến FDI toàn cầu tăng khoảng 16%, đạt 1.300 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP toàn cầu.
Có nhiều yếu tố tích cực đối với FDI. Đó là lãi suất vẫn ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế của các thị trường đang nổi vẫn tốt. Giá nguyên liệu tương đối cao sẽ củng cố dòng FDI chảy vào các thị trường đang nổi. Các tập đoàn đa quốc gia có dự trữ tiền mặt lớn cũng như động cơ tăng doanh thu thông qua hoạt động mua bán doanh nghiệp.
Các cuộc thăm dò cho thấy ý định mua các công ty nước ngoài để mở rộng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong năm 2011 dường như mạnh hơn trong năm 2010. Việc cơ cấu lại trong nhiều ngành cùng với việc tư nhân hoá các công ty được cứu trợ trong thời kỳ khủng hoảng sẽ tiếp tục tạo thêm cơ hội cho M&A xuyên biên giới. Kinh tế tăng trưởng, dù vẫn thấp và chính sách tiền tệ đặc biệt nới lỏng ở nhiều nước phương Tây tiếp tục tạo ra môi trường thuận lợi cho các tài sản có độ rủi ro cao.
Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục được dẫn dắt bởi các thị trường đang nổi.
Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2011 sẽ chậm lại do việc thu hồi các chính sách kích thích được đưa ra trong năm 2008-2009, cũng như việc nhiều chính phủ thăt chặt tài chính chung. Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2011 giảm xuống 2,7% so với mức 3,6% trong năm 2010. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của các thị trường đang nổi sẽ cao hơn 3 lần so với các nước phát triển, 6,3% so với 1,8%.
Tuy nhiên, EIU cũng cho rằng vẫn còn những yếu tố rủi ro lớn tác động đến triển vọng trên. Cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu phủ bóng đen lên sự phục hồi toàn cầu và có thể gây bất ổn thị trường vốn toàn cầu.
Sự không ổn định này có thể trầm trọng thêm bởi các yếu tố rủi ro như những căng thẳng tiền tệ quốc tế hay sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, có thể sẽ tác động nghiêm trọng đến FDI./.
Mai Linh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1019
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)