(MPI Portal) - Theo lời mời của Thủ tướng Canada Stephen Harper, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 4 tại Toronto (Canada) với tư cách Chủ tịch ASEAN từ ngày 26-27/6/2010.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp toàn thể G20. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra 6 phiên họp và thảo luận về các nội dung: Đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế thế giới; Triển khai Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ - bền vững và cân bằng; Cải cách các quy định tài chính; Cải cách các thể chế tài chính quốc tế; Chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy tự do hóa thương mại; Chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao G20 Seoul vào tháng 11/2010.
Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị đã khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác để thúc đẩy sự phục hồi bền vững của kinh tế toàn cầu đi đôi với giải quyết các thách thức mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt như thâm hụt tài khóa, nợ công, thất nghiệp…
Được thành lập vào năm 1999, G20 là một diễn đàn kinh quốc tế cấp cao nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các nước phát triển và đang phát triển liên quan đến ổn định kinh tế toàn cầu. Các thành viên của G20 bao gồm bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 19 quốc gia (Ả Rập Saudi, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Canada, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Indonesia, Mexico, Nam Phi, Nga, Nhật Bản, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Australia, Anh,Italia) và Liên minh châu Âu. Đến nay, G20 đã tổ chức được bốn Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 năm 2008 (Hoa Kỳ), tháng 4 năm 2009 (Anh), tháng 9 năm 2009 (Hoa Kỳ), và tháng 6 năm 2010 (Canada).
|
|
Hội nghị đã thông qua các biện pháp chính sách nhằm cụ thể hóa Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ - bền vững và cân bằng, đồng thời nhất trí tiếp tục các biện pháp cải cách các định chếtài chính với mục tiêu tăng cường hiệu quả và tính minh bạch của các hệ thống tài chính nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.
Hội nghị cũng đưa ra thông điệp chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng gia tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính và tiếp tục các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bao gồm việc sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha trong thời gian tới.
Các nước và các tổ chức quốc tế khẳng định tiếp tục quan tâm tới vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển và giảm nghèo nhằm đảm bảo sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Các nước G20 nhất trí thành lập Nhóm chuyên trách về phát triển nhằm xây dựng chương trình nghị sự và kế hoạch hành động về phát triển để đưa ra thông qua tại Hội nghị cấp cao G20 Seoul tháng 11/2010.
Phát biểu về chủ đề “Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ - bền vững và cân bằng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định các nước ASEAN đánh giá cao ý nghĩa và sự cần thiết của việc triển khai Khuôn khổ nhằm thúc đẩy sự phục hồi bền vững của nền kinh tế thế giới, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo Khuôn khổ được triển khai có hiệu quả và không gây ra những tác động tiêu cực với các nước ngoài G20, đặc biệt là các nước nghèo và đang phát triển.
Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến ASEAN cùng với các khối, các tổ chức thương mại tự do và hợp tác kinh tế khác như Liên minh châu Âu (EU), Khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Phi (AU)... cùng G20 soạn thảo và ra một Tuyên bố chung về quyết tâm thúc đẩy vòng Doha kết thúc trong vòng 12 tháng tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ,Việt Nam cũng nhưASEAN hoan nghênh và đánh giá cao những sáng kiến cải cách các thể chế tài chính quốc tế trong thời gian qua nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các tổ chức này, đồng thời phản ánh được tiếng nói, vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Để tăng cường hơn nữa vai trò của các thể chế tài chính quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị:
Một là, IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), WB (Ngân hàngThế giới)và các thể chế tài chính khu vực cần tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; hoan nghênh việc WB, IMF và các nhà tài trợ xoá nợ cho Haiti để giúp quốc gia này khắc phục hậu quả của thiên tai và khôi phục đời sống của người dân.
Hai là, để đối phó với thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, cácthể chế tài chính quốc tế, đặc biệt là WB cần ưu tiên các sáng kiến hỗ trợ đối phó với biến đổi khí hậu, tăng cường vai trò điều phối các nguồn tài chính để thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Với IMF, cần hoàn thiện các công cụ cho vay phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các nước chậm và đang phát triển, đặc biệt trong các ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ba là, tăng cường các hoạt động hợp tác và tham vấn chính sách giữa các thể chế tài chính quốc tế với các tổ chức khu vực trong khi vẫn đảm bảo nguyên tắc tự chủ trong điều hành kinh tế của các nước.
ASEAN hoan nghênh G20 đã thể hiện thái độ mạnh mẽ phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư, đặc biệt thỏa thuận kéo dài thêm 3 năm cam kết không gia tăng hay áp đặt các rào cản mới với đầu tư và thương mại hàng hóa và dịch vụ.
Là nước phải chịu nhiều biện pháp bảo hộ trá hình của một số nước phát triển, Việt Nam kêu gọi G20 tiếp tục có các biện pháp cụ thể xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiệm vụ đối phó với suy thoái kinh tế không phải là cơ sở cho phép các nước quay lại sử dụng các biện pháp bảo hộ thiển cận và ích kỷ.
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc G20 đưa vào chương trình nghị sự các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bao gồm thúc đẩy quan hệ giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giảm chi phí giao dịch và xây dựng năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển.
Các nước ASEAN đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực theo hướng mở tại Đông Á với việc ký kết nhiều thỏa thuận FTA quan trọng có mức độ tự do hóa cao. Các chương trình hợp tác và liên kết kinh tế trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong có sự tham gia của các nước ASEAN và các đối tác bên ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... cũng đang tiến triển tốt đẹp.
Việt Nam cũng chủ động tham gia tiến trình thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực. Vừa qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có hai nước thành viên G20 là Australia và Hoa Kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất, ASEAN cùng với các khối, các tổ chức thương mại tự do và hợp tác kinh tế khác như EU, NAFTA, AU cùng G20 soạn thảo và ra một Tuyên bố chung về quyết tâm thúc đẩy Vòng đàm phán Doha kết thúc trong vòng 12 tháng tới; khẳng định liên kết và tự do hóa thương mại khu vực và song phương chỉ bổ trợ chứ không làm ảnh hưởng đến quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu trong khuôn khổ WTO./.
Thuý Quyên (Tổng hợp)
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư