Ngày 13/4, Hy Lạp đã phát hành thành công đợt trái phiếu chính phủ mới kỳ hạn 26 và 52 tuần với tổng giá trị 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD).
Cơ quan quản lý nợ nhà nước của Hy Lạp cho biết kết quả phát hành là khả quan vì cầu đã vượt cung, song lãi suất vẫn cao hơn nhiều so với các đợt phát hành trước.
Lãi suất trái phiếu 26 tuần là 4,55%, lãi suất trái phiếu 52 tuần là 4,8%, đều cao gấp ba lần hoặc hơn lãi suất trái phiếu phát hành tháng Giêng vừa qua.
Các nhà phân tích nhận xét việc Athens phải vay mượn với lãi suất cao như vậy chứng tỏ thị trường vẫn chờ đợi những đảm bảo cụ thể hơn dành cho Hy Lạp, chứ không chỉ thỏa thuận về gói cứu trợ từ Khu vực đồng euro.
Tuy nhiên, kết quả phát hành trái phiếu là một tín hiệu đáng khích lệ, cho thấy Athens vẫn quyết tâm vay mượn để giải quyết những khó khăn tài chính của mình, chưa cần sử dụng "cứu cánh" cuối cùng là đề nghị "kích hoạt" cơ chế cứu trợ phối hợp giữa Khu vực đồng euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mặc dù Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou ngày 8/4 đã chính thức đề nghị Liên minh châu Âu trợ giúp tài chính.
Phát biểu tại cuộc họp nội các cùng ngày, ông Papandreou cho biết cơ chế hỗ trợ EU-IMF là một công cụ an toàn đối với Hy Lạp.
Chỉ riêng sự ra đời của cơ chế này đã giúp Athens "tĩnh tâm" tập trung thực hiện những cải cách cần thiết để phục hồi kinh tế. Ông cũng cho biết Athens sẽ xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định liệu có sử dụng cơ chế hỗ trợ EU-IMF hay là không.
Hy Lạp cần phải tìm kiếm khoảng 11,5 tỷ euro trong tháng tới, một phần trong tổng số 54 tỷ euro cần thiết để trang trải các khoản nợ và đáp ứng những nhu cầu ngân sách trong năm nay.
Các kế hoạch cải cách của Hy Lạp từng gây làn sóng biểu tình ở trong nước. Nghiệp đoàn công chức nhà nước ở Hy Lạp tuyên bố phát động tổng bãi công vào ngày 22/4 để phản đối các chính sách kinh tế, xã hội của chính phủ. Nhiều khu vực khác cũng kêu gọi bãi công trong tuần này./.