Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/07/2010-10:10:00 AM
Đặt Thị trường Chứng khoán trong phát triển tổng thể nền kinh tế
Sáng 18/7, tại trụ sở Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động của Thị trường Chứng khoán Việt Nam (20/7/2000 - 20/7/2010).
Sau 10 năm, trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có trên 900.000 tài khoản giao dịch
Tổng kết hoạt động 10 năm, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, thị trường chứng khoán đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Từ 2 công ty niêm yết ban đầu tăng lên trên 550 công ty. Cùng với đó, hoạt động của thị trường đã thực sự gắn kết được với công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, huy động vốn từ công chúng đầu tư, góp phần thúc đẩy nhanh việc sắp xếp khu vực doanh nghiệp nhà nước theo tiến trình cải cách nền kinh tế của Chính phủ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng biểu dương các thế hệ cán bộ tham gia công tác tạo dựng và điều hành thị trường chứng khoán trong mười năm qua đã có bước phát triển nhanh, mạnh mẽvà vững chắc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nền kinh tế thị trường mà thiếu đi thị trường vốn, thị trường chứng khoán thì có thể là bất thành thị trường. Thị trường chứng khoán ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam đang hội nhập, phát triển trong các mối quan hệ quốc tế. Xác định vị thế thị trường chứng khoán chính là kênh giám sát, kiểm tra tính hiệu quả của nền kinh tế và là thước đo nhanh nhạy nhất đối với các hoạt động đầu tư của đất nước...
Phó Thủ tướng chỉ rõ, thời gian qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước tăng trưởng theo cấp số nhân. Nhưng chặng đường tới đây, để xây dựng thị trường chứng khoán thành một thị trường tài chính cao cấp là công việc cực kỳ khó khăn. Các cấp quản lý cần phải đặt thị trường chứng khoán vào trong sự phát triển tổng thể, toàn diện của nền kinh tế.
Theo đó đặt vấn đề ưu tiên, đặc biệt coi trọng chất lượng sản phẩm hàng hoá trên thị trường dù đó là cổ phiếu, trái phiếu công ty hay trái phiếu chính phủ. Ngoài ra giá cả hàng hoá phát hành tại thị trường sơ cấp cũng cần phải đưa ra ở mức hợp lý. Có như vậy, nhà đầu tư mới yên tâm và tin tưởng vào thị trường.
Phó thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu, các tổ chức và định chế tài chính trung gian trên cơ sở phát triển về số lượng cần phải bảo đảm về chất lượng. Song hành với đó là vấn đề công khai minh bạch hóa thông tin phải được thông suốt đảm bảo cho hoạt động thị trường được hiệu quả.
Về định hướng mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán trong 10 năm tới, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đưa ra kế hoạch sẽ đẩy mạnh nhịp độ, đồng thời chất lượng cấu trúc thị trường có sự cải cách triệt để hơn và tiếp cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Qua đó cải thiện bước căn bản chất lượng cung cầu, cơ sở hạ tầng. Tăng cường năng lực tài chính quản trị rủi ro, tăng cường năng lực quản lý giám sát thị trường chứng khoán, tạo ra sự gắn kết đồng bộ với thị trường tiền tệ, thị trường bảo hiểm,” ông Vũ Bằng cho biết./.
Linh Chi
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1162
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)