Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/10 cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 3/2011 đạt 2,5% - tăng gần gấp đôi so với quý trước và là mức cao nhất trong vòng một năm qua.
Kết quả này đã góp phần xua tan mối quan ngại lâu nay về nguy cơ nền kinh tế đầu tàu thế giới lại rơi vào suy thoái và làm tăng giá hàng loạt các cổ phiếu chủ lực.
Theo báo cáo trên, tốc độ tăng GDP của Mỹ (gồm cả hàng hóa và dịch vụ) trong 3 tháng vừa qua cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ đạt 0,4% trong quý 1 và 1,3% trong quý 2/2011, và chỉ thấp hơn một chút so với mức dự báo 2,7% của các chuyên gia kinh tế.
Nguyên nhân chủ yếu đẩy kinh tế Mỹ tăng với tốc độ cao hơn trong quý là do cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều tăng chi tiêu. Trong quý 3/2011, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 2,4% so với mức tăng chỉ đạt 0,7% trong quý trước, tăng mạnh nhất là đối với các sản phẩm lâu bền như ôtô và tủ lạnh.
Đầu tư của các doanh nghiệp vào các lĩnh vực không thuộc bất động sản tăng 16,3% so với mức tăng 10,3% trong quý trước. Tỷ lệ lạm phát trong quý ở mức 2,1% so với 2,3% trong quý trước.
Ngay sau thông báo của Bộ Thương mại, cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng giá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 339,51 điểm (2,9%), chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 87,96 điểm (3,32%), trong khi chỉ số Standard & Poor 500 tăng 42,59 điểm (3,4%). Các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Pháp và Đức cũng tăng rất mạnh, 6,3% và 5,4%.
Cùng ngày, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney đánh giá mặc dù kết quả trên là khả quan và đáng khích lệ, song vẫn còn thấp và chưa đủ để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức cao (9,1%). Ông Carney cho rằng nước Mỹ vẫn cần nhiều biện pháp thúc đẩy hơn nữa nhằm tạo công ăn việc làm và vực dậy nền kinh tế đang sa sút.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), triển vọng kinh tế Mỹ tiếp tục ảm đạm cho đến năm 2021 nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế không vượt quá 2,5%./.