Ông Dư Quang Nam, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố đã giảm 0,09% so với tháng trước.
Đây là tháng đầu tiên, kể từ tháng 11/2009 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tại thành phố có mức giảm nhẹ.
Theo các chuyên gia về thị trường, những nhân tố tác động đến CPI của thành phố giảm nhẹ trong tháng này gồm giá lương thực tiếp tục hạ nhiệt, giá vật liệu xây dựng tiếp tục giảm do bước vào mùa mưa, nhu cầu xây dựng giảm, giá xăng dầu có mức giá bình quân thấp hơn tháng trước do tác động giảm giá xăng dầu từ ngày 8/6.
Đáng chú ý là nhóm hàng lương thực liên tục giảm từ tháng 3 đến nay, tuy vậy nếu so với đầu năm thì giá lương thực vẫn còn ở mức cao, bình quân trong 7 tháng đầu năm giá lương thực tăng xấp xỉ 0,8%/tháng.
Ở nhóm thực phẩm, trừ tháng 4/2010 có mức giảm nhẹ, các tháng còn lại đều tăng so với tháng trước, nếu so với đầu năm giá thực phẩm tăng bình quân xấp xỉ 1,02%/tháng.
Tình hình thực phẩm 7 tháng đầu năm tăng cao do tác động bởi nhiều nguyên nhân như thời tiết diễn biến thất thường, tình hình sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất tăng do giá nguyên liệu đầu vào luôn ở mức cao, yếu tố cung cầu là những nguyên nhân chính và trực tiếp đã góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Trong tháng 7/2010, giá vàng có mức tăng 1,83% và giá USD có mức tăng 0,43% so với tháng trước.
So với cách đây một năm, chỉ số giá tiêu dùng tại thành phố có mức tăng 8,71% và nếu so với đầu năm thì có mức tăng 4,78%./.
Hà Huy Hiệp
TTXVN/Vietnam+