Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/06/2010-16:40:00 PM
Nâng cao hiệu quả viện trợ vì sự phát triển bền vững
(MPI Portal) – Sáng ngày 03/06/2010, Diễn đàn Hiệu quả viện trợ (AEF) với chủ đề nâng cao hiệu quả viện trợ vì sự phát triển bền vững đã được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Hà Nội.
Toàn cảnh Diễn đàn hiệu quả Viện trợ (AEF)
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề làm thế nào để viện trợ phục vụ tốt hơn các mục tiêu phát triển, hiệu quả viện trợ - các cơ hội, hạn chế và giải pháp để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp ODA của các nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã nhất trí cùng nỗ lực nâng cao hiệu quả viện trợ vì phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn về mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: “Phát triển nền kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục chuyển động cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế. Tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tăng nhanh hàm lượng khoa học và công nghệ cao trong sản phẩm. Cải thiện và nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.” Trong đó, chỉ tiêu về kinh tế là GDP bình quân 5 năm 2011 – 2015 tăng 7,5 – 8% năm.
Viêt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đối phó tốt với những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, duy trì trì tốt cán cân vĩ mô, phát triển ổn định kinh tế, đảm bảo các chính sách về an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Trong những tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ năm 2009 ở khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10,3%; khu vực ngoài nước tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,1%. Vốn đầu tư ngân sách nhà nước thực hiện đạt 26,7% so với mức 8,3% cùng kỳ năm 2009. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2009.
Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, trong 6 tháng cuối năm 2010, Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện 7 nhóm biện pháp trên các lĩnh vực bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thép, xi măng… để giảm thiểu áp lực tăng giá trong khâu lưu thông; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt; thực hiện chiến lược thu mua, dự trữ các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu; tăng cường phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; tập trung hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo.
Về quan hệ quốc tế, thực hiện chính sách ngoại giao rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, với các đối tác trong và ngoài khu vực. Việt Nam đã tham gia tích cực vào các diễn đàn và sáng kiến về hiệu quả viện trợ ở cấp khu vực.
Bước vào năm 2010, Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội ASEAN với Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 của Hiệp hội vừa được tổ chức thành công tại Hà Nội, khẳng định quyết tâm của các nước ASEAN đoàn kết và thống nhất trong đa dạng để thực hiện Hiến chương ASEAN nhằm đưa tổ chức thành một thực thể luật pháp quốc tế với cộng đồng kinh tế thế giới vào năm 2015. Tất cả những hoạt động và sự kiện này diễn ra dồn dập trong những tháng đầu năm 2010 khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố và tăng cường, đồng thời đây là những bước khởi động quan trọng chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng hấp thụ nguồn vốn ODA của Việt Nam trong năm 2009 có những cải thiện đáng kể. Tổng vốn ODA giải ngân trong năm 2009 đạt 4.105 triệu USD, gần gấp 2 lần kế hoạch đề ra và tăng hơn 82% so với năm 2008.
Trong 6 tháng đầu năm 2010 nhiều công trình phát triển hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ODA đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đang phát huy tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của cả nước nói chung và từng tỉnh, thành phố nói riêng. Một trong những công trình tiêu biểu là cầu Cần Thơ (tài trợ từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản) được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 4 vừa qua.
AEF được đồng chủ tọa Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) công nhận là một trong những diễn đàn của Hội nghị, tạo ra cơ hội gắn kết chính sách viện trợ và hiệu quả viện trợ với quá trình xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 nhằm gia tăng giá trị của viện trợ đối với sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Diễn đàn AEF là sự thông qua đối thoại giữa các bên liên quan của Việt Nam và các đối tác phát triển, cũng như các bên quan tâm đến viện trợ và hiệu quả viện trợ, để góp phần kiến tạo một quan hệ đối tác mới về viện trợ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Diễn đàn tập trung vào 2 hướng chủ đạo:
Thứ nhất: tập trung nỗ lực của các cơ quan Việt Nam và các đối tác phát triển nhằm thực hiện các cam kết và các chỉ tiêu đề ra cho năm 2010 trong Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ.
Thứ hai: tập trung vào việc xây dựng Đề án ODA 2011 – 2015 và tăng cường hợp tác phát triển giữa Chính phủ và các đối tác phát triển trong quan hệ đối tác viện trợ mới sau năm 2010./.

Một số chương trình, dự án ODA ký kết năm 2009

1. Nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xóa đói, giảm nghèo

Chương trình tín dụng chuyên ngành VI phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ ở nông thôn (187,76 triệu USD vốn vay của JICA, Nhật Bản); Tài trợ chính sách phát triển lần thứ hai hỗ trợ Chương trình 135 (100 triệu USD vốn vay của WB); Chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo PRSC-8 (568,09 triệu USD vốn vay và viện trợ không hoàn lại của WB và một số nhà tài trợ khác); Chương trình xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2 (chia sẻ) (11 triệu USD viện trợ không hoàn lại của Thụy Điển); Dự án Phát triển nông nghiệp miền Tây tỉnh Nghệ An giai đoạn 3 (7,79 triệu USD viện trợ không hoàn lại của Luxembourg).

2. Phát triển năng lượng điện

Khoản tài trợ bổ sung cho Dự án Năng lượng nông thôn giai đoạn 2 (200 triệu USD vốn vay của WB)

3. Giao thông vận tải

- Dự án Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (410,2 triệu USD vốn vay của ADB);

- Dự án Đường sắt đô thị thí điểm tuyến Nhổn – ga Hà Nội (112,6 triệu USD vốn vay của AFD, Pháp).

3. Cấp thoát nước và phát triển đô thị

- Dự án Phát triển toàn diện thành phố Thanh Hóa (104,7 triệu USD vốn vay do ADB và Koximbank đồng tài trợ);

- Dự án Cung cấp nước sạch và thủy lợi tỉnh Bình Thuận (19,74 triệu USD) và Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Cà Mau (17,89 triệu USD) vốn vay của Italya.

4. Giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ

Dự án Vệ sinh quan sát tài nguyên, môi trường và thiên tai (78,24 triệu USD dụng vốn vay của AFD); Chương trình bảo đảm chất lượng trường học (127 triệu USD) và Chương trình cải cách đầu tư công (500 triệu USD) vốn vay của WB.

6. Tăng cường thể chế và phát triển năng lực

Chương trình nâng cao năng lực tổng thể ngành thanh tra giai đoạn 2009 – 2014 (viện trợ không hoàn lại của Thụy Điển, Đan Mạnh và Hà Lan); Dự án Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử tại Việt Nam (5 triệu USD viện trợ không hoàn lại của UNDP).

Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1446
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)