(MPI Portal) – Ngày 16/9, tại Thanh Hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện các dự án ADB năm 2010.
|
ÔngHoàng Viết Khang(phải), Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội nghị và ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia, Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Ngân hàng Phát triển Châu Á đã tiến hành kiểm điểm tình hình thực hiện dự án Quốc gia (CPR) hàng năm đối với Việt Nam từ năm 1995. Mục đích của CPR nhằm: đánh giá tổng thể tình hình thực hiện các khoản vay, các khoản viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật của ADB, xác định rõ những vấn đề chung và những vấn đề liên ngành trong quá trình triển khai và thực hiện dự án; thống nhất với Chính phủ các biện pháp xử lý những vấn đề trên và cải thiện tình hình thực hiện vốn vay của ADB.
Chủ đề chính của CPR 2010 là “cải thiện triển khai và thực hiện các dự án do ADB tài trợ”. Trọng tâm là kết quả thực hiện danh mục dự án đang giảm sút và giải ngân chậm, một thực trạng có nguyên nhân cơ bản xuất phát từ sự chênh lệch giữa các thủ tục của Chính phủ Việt Nam và ADB, việc thiếu năng lực thực thi cũng như những khác biệt giữa hệ thống của ADB và Chính phủ trong đấu thầu, giải ngân, và các điều kiện đảm bảo về xã hội và môi trường. Những chênh lệch mang tính hệ thống giữa các thủ tục của Chính phủ Việt Nam với thông lệ quốc tế, các kiến nghị đang được 6 ngân hàng và Chính phủ thảo luận liên tục, kết quả các cuộc trao đổi này được nêu trong Kế hoạch hành động chung 2 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt tại Quyết định 747/QĐ-BKH ngày 28 tháng 5 năm 2010.
Từ khi nối lại hoạt động năm 1993, ADB đã cấp 94 khoản vay cho khu vực công với tổng số tiền 8,3 tỷ USD. Mức cho vay của ADB dành cho Việt Nam trước đây là khoảng 250-300 triệu USD mỗi năm, sử dụng vốn vay ưu đãi của Quỹ Phát triển Châu Á (ADF). Kể từ năm 2004, mức cho vay đã tăng mạnh khi Chính phủ và ADB ký hiệp định cho vay bằng nguồn vốn thông thường (OCR) đối với một số ngành chọn lọc có nguồn thu ngân sách. Mức cho vay tăng từ 1 tỷ USD năm 2008 lên đến 2,3 tỷ USD năm 2009 và 1,5 tỷ USD năm 2010. Đối với khu vực tư nhân, ADB đã cấp 11 khoản vay với tổng giá trị là 305 triệu USD. Ước tính trong năm 2010, số vốn cho vay sẽ là 4,1 tỷ USD (3,5 tỷ USD từ nguồn vốn OCR và 0,6 tỷ USD từ ADF).
Tính đến 31 tháng 7 năm 2010, vốn hiện cho vay đối với các dự án đang thực hiện tính theo số vốn vay ròng là 5,38 tỷ gồm 41 dự án, 6 chương trình, 1 khoản tín dụng/ phát triển định chế tài chính (DFI) và 1 khoản vay kết hợp DFI-dự án. Các ngành có số vốn vay lớn nhất gồm: giao thông vận tải và công nghệ thông tin truyền thông (34,7%), năng lượng (32,8%), nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên (14,0%). Ngoài ra, có 20 khoản viện trợ không hoàn lại và 48 dự án hỗ trợ kỹ thuật đang được thực hiện với tổng số tiền lần lượt là 124,3 triệu USD và 63,2 triệu USD.
Tại Hội nghị, ADB cũng đã đưa ra những kiến nghị hành động cụ thể: Hỗ trợ tăng cường hệ thống quốc gia; Kết hợp CPS với SEDP 2011-2015; Kết hợp Kế hoạch Hoạt động Quốc gia (COBP) và thực hiện CPR; Sửa đổi Cẩm nang về chuẩn bị và thực hiện các dự án do ADB tài trợ tại Việt Nam; Hỗ trợ khởi động dự án; Lập danh mục các dự án cần vốn đối ứng của Bộ/Cơ quan chủ quản; Giám sát và theo dõi các hồ sơ chờ Chính phủ và ADB phê duyệt; Thường xuyên cùng các cơ quan điều hành dự án theo sát những dự án có vấn đề và tiến hành giám sát liên tục để đảm bảo tiến độ dự án; Tăng cường đào tạo và xây dựng năng lực cho cán bộ dự án.
|
Bà Trịnh Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam, phát biểu trong Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Hội nghị cũng nhận được nhiều đóng góp ý kiến của các đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành. Đáng chú ý là phát biểu của bà Trịnh Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam: “Việt Nam đang trải qua một sự thay đổi từ một nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình và ngày càng nâng cao được uy tín trên trường quốc tế, vì thế ADB đã đánh giá cao, tạo điều kiện cho Viêt Nam vay vốn và đứng thứ 2 trong số Hội viên của ADB. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái, ADB vẫn dành sự ưu ái đặc biệt cho Việt Nam, chính vì vậy rất mong Chính phủ và các Bộ, ban, ngành cam kết sử dụng vốn ADB có hiệu quả nhất”
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã thông qua Dự thảo Biên bản ghi nhớ về Kiểm điểm tình hình thực hiện dự án quốc gia 2010./.
Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư