Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/11/2010-13:50:00 PM
OECD: Kinh tế thế giới đang phục hồi chậm lại
Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 của các nước phát triển, do đà phục hồi tại những nước này chững lại kể từ đầu năm nay.

Tình trạng thất nghiệp cao khiến sức ép bảo hộ ngày càng tăng tại nhiều nước G20

Trong báo cáo công bố ngày 3/11, trước khi Hội nghị nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) dự kiến diễn ra vào ngày 13 và 14/11 tại Hàn Quốc, tổ chức gồm 33 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới này cũng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đẩy mức thâm hụt và nợ nhà nước của các nước trên thế giới lên mức không thể chống đỡ nổi.
Do tăng trưởng kinh tế của Mỹ và khu vực sử dụng đồng euro yếu kém, việc chuẩn hóa lãi suất chỉ có thể được tiến hành sớm nhất là vào nửa đầu năm 2012.
Theo dự đoán của OECD, tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên trong năm nay sẽ đạt từ 2,5-3% GDP.
Tuy nhiên, OECD lại hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế thành viên trong năm 2011 từ mức 2,8% đưa ra hồi tháng Sáu xuống còn 2-2,5% GDP, trong đó tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ giảm từ mức dự báo 3,2% đưa ra hồi tháng Sáu xuống còn 1,75%-2,25% GDP.
Cùng ngày, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), OECD và Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển và Thương mại (UNCTAD) đã đưa ra báo cáo về thương mại và đầu tư, cảnh báo các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) rằng kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng do những căng thẳng xung quanh vấn đề tỷ giá hối đoái.
Theo báo cáo trên, các nhà hoạch định chính sách cấp cao đang ngày càng lo ngại về những căng thẳng gần đây xung quanh vấn đề tiền tệ.
Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy tháng trước đã tuyên bố rằng những bất đồng về tiền tệ có thể đe dọa hoạt động thương mại và ảnh hưởng xấu đến phục hồi kinh tế toàn cầu.
Hiện Mỹ đang kêu gọi Trung Quốc nâng giá đồng Nhân dân tệ được cho là bị định giá thấp, trong khi Trung Quốc cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ là dễ dãi, gây mất ổn định cho các nước khác.
Nhiều chính phủ cũng bày tỏ lo ngại về những vấn đề trên cũng như về các chính sách tiền tệ của các nước khác.
Những nhận định trên đã cho thấy sự thay đổi đáng kể của WTO trong đánh giá về môi trường thương mại.
Theo một số báo cáo đưa ra trước các hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 trước đây, nhìn chung G20 vẫn duy trì bảo hộ mậu dịch ở mức độ có thể kiểm soát được.
Báo cáo của WTO, OECD và UNCTAD nêu rõ các nước G20 phải thường xuyên chống lại những sức ép bảo hộ kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh G20 lần gần đây nhất.
Tuy nhiên, các sức ép bảo hộ vẫn ngày càng gia tăng do tình trạng thất nghiệp cao tại nhiều nước G20, những mất cân bằng về kinh tế vĩ mô giữa các nước này cùng những căng thẳng về tỷ giá hối đoái.
Trong báo cáo, những người đứng đầu WTO, OECD và UNCTAD cũng hối thúc các nhà lãnh đạo G20 ưu tiên cho việc loại bỏ những nguy cơ đe dọa sự ổn định hệ thống thương mại toàn cầu./.

Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1119
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)