Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 65 nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế của mỗi quốc gia cũng như trên toàn cầu.
|
Chủ tịch Đại hội đồng LHQJoseph Deiss
|
Phối hợp để đối phó biến đối khí hậu và nạn thất nghiệp
Phát biểu khai mạc Đại hội đồng LHQ khóa 65, hôm 14/9, Chủ tịch Đại hội đồng Joseph Deiss cho biết, trọng tâm chương trình nghị sự khóa 65 là phát triển, môi trường và cải tổ LHQ.
Khẳng định cộng đồng quốc tế cũng cần nỗ lực nhằm đưa LHQ và Đại hội đồng LHQ trở lại vai trò trung tâm chi phối toàn cầu, ông Joseph Deiss nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy phát triển bền vững tất cả các nền kinh tế.
Theo ông Joseph Deiss, biến đổi khí hậu, khả năng dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học là những thách thức môi trường tác động đến tất cả các nước, vì vậy, cần sự nỗ lực phối hợp của tất cả các nước. Điều quan trọng là nâng cao nhận thức về sự cần thiết các cơ cấu kinh tế phải tôn trọng hơn đối với môi trường và các thế hệ tương lai.
Tại Hội nghị ở Oslo (Na Uy), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) kêu gọi các nước cam cần cam kết rộng rãi thực hiện đường lối phục hồi kinh tế, tập trung tạo việc làm mới để giải quyết nạn thất nghiệp nghiêm trọng do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.
Thất nghiệp là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà thế giới đang phải đối mặt, trong đó cái giá phải trả đối với con người thực sự là thảm kịch, đặc biệt là có tới 81 triệu thanh niên thất nghiệp, chiếm 13% lực lượng lao động toàn cầu năm 2009.
Trong khi đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Thiên Tân (Trung Quốc), còn gọi là Diễn đàn Davos mùa Hè, các nhà phân tích kinh tế cho rằng suy thoái kép khó xảy ra bởi trong lúc các nền kinh tế Mỹ và châu Âu phục hồi chậm thì các nền kinh tế ở châu Á vẫn tăng trưởng nhanh chóng.
Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ dựa nhiều hơn vào các nền kinh tế đang nổi và đến năm 2014, kinh tế châu Á có thể đóng góp vào sự phát triển của kinh tế toàn cầu nhiều hơn là sự đóng góp của các nền kinh tế G-7.
Cuba đẩy mạnh phục hồi kinh tế
Chính phủ Cuba vừa thông báo kế hoạch đưa ra khỏi biên chế nhà nước hơn 1 triệu công nhân viên chức. Đây được coi như một trong các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế. Liên đoàn Lao động Cuba cho hay một nửa số này sẽ phải thôi việc trước tháng 3/2011. Những người bị thôi việc sẽ được khuyến khích tự kiếm việc mới hoặc gia nhập các doanh nghiệp tư nhân.
Giới phân tích cho rằng đây là đợt cải tổ doanh nghiệp lớn nhất tại Cuba kể từ cuộc cách mạng năm 1959. Chính quyền Cuba hiện nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế và trả lương cho 85% lực lượng lao động, vốn được ước tính là vào khoảng 5,1 triệu người. Theo giới phân tích, kế hoạch trên sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho người dân Cuba.
Trên phương diện toàn cầu, trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam và Ghana được đánh giá là đạt được những thành tựu nổi bật “như hai ngôi sao sáng” với thành tích xóa đói giảm nghèo và cải thiện sức khỏe người dân. Theo Ngân hàng Thế giới, trong số 85 quốc gia đang phát triển, có 45 nước đã hoặc sẽ đạt được mục tiêu phát triển đúng thời hạn. 39 quốc gia còn lại không thể đạt được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo do tác động và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Không gian mạng cần khuôn khổ pháp lý quốc tế
Ngày 13/9, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Hamadoun Touré đã cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến tranh trên không gian mạng, đồng thời kêu gọi các nước thành viên LHQ nhanh chóng thỏa thuận và ký kết hiệp ước an ninh mạng toàn cầu.
Hiệp ước an ninh mạng toàn cầu cần bao gồm khuôn khổ quy chế và pháp lý quốc tế chặt chẽ, trong đó xác định rõ những hành động được phép và không được phép trên không gian mạng, nghĩa vụ của các nước giám sát không gian mạng của họ cũng như các kế hoạch hành động khẩn cấp liên lục địa để phòng ngừa các cuộc tấn công quy mô lớn trên không gian mạng.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ William Lynn cũng đã kêu gọi khối NATO xây dựng "lá chắn mạng" để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quân sự-kinh tế trước mọi đe dọa từ mạng Internet. Theo ông, NATO đã có lá chắn hạt nhân và đang xây dựng một lá chắn quốc phòng hùng mạnh hơn, song cũng cần thiết lập một “lá chắn mạng".
Tại châu Á, sự kiện thu hút dư luận tuần này là việc Thủ tướng Naoto Kan được bầu lại làm Chủ tịch DPJ cầm quyền, tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Nhật Bản.
Ông Naoto Kan cam kết sẽ nỗ lực củng cố sự đoàn kết trong đảng, quyết tâm đem lại sức sống mới cho đất nước; trong đó dành ưu tiên cao nhất cho việc đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng giảm phát kéo dài và tạo thêm nhiều việc làm./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ