Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/06/2011-14:28:00 PM
Tham quan, thực địa trước thềm CG giữa kỳ 2011
(MPI Portal) - Trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam giữa kỳ năm 2011, sáng ngày 08/6, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới đã phối hợp khảo sát, thống nhất chọn 3 tuyến tham quan thực địa cho các đại biểu tham dự Hội nghị, gồm: Các dự án và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; Các dự án và Khu lưu niệm Nguyễn Du; Các dự án và Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú, nhà thờ Phan Đình Phùng; Dự án phát triển bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh…
Mỗi tuyến thực địa ngoài việc khảo sát các dự án về giáo dục, y tế, hạ tầng, môi trường có sử dụng vốn của nhà tài trợ quốc tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều có lựa chọn thêm một điểm di tích lịch sử, văn hoá của tỉnh nhằm giới thiệu về quê hương, con người Hà Tĩnh.

Lễ dâng hương và tham quan Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)

Hiện nay, một số dự án được tài trợ bởi các nhà tài trợ lớn đang được triển khai tại thành phố Hà Tĩnh gồm dự án phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, dự án Hỗ trợ kỹ thuật dạy nghề Việt Nam. Dự án phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh được tài trợ bởi cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng mức vốn đầu tư là 705.876.936 JPY. Mục tiêu dự án là nhằm tạo thêm cơ sở vật chất để giúp Bệnh viện tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về vận hành, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cao nhằm đưa Bệnh viện tỉnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 1. Hiện tại, dự án đã hoàn thành và nghiệm thu với tất cả các hạng mục theo nội dung cam kết, được đánh giá là phát huy tác dụng tốt.

Dự án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ do Ngân hàng Thế Giới tài trợ với tổng mức đầu tư 419.072 triệu đồng. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)

Trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ kỹ thuật dạy nghề Việt Nam, Trường cao đẳng nghề Việt - Đức tại thành phố Hà Tĩnh là một trong 11 cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ trên toàn quốc. Dự án được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng Hòa Liên Bang Đức với tổng mức đầu tư là 104.000 triệu đồng. Mục tiêu dư án nhằm cung cấp lực lượng công nhân có tay nghề cho các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển và có nhu cầu tuyển dụng. Dự án đã hoàn thành và góp phần đào tạo đội ngũ công nhân có kỹ thuật có tay nghề cao cung cấp cho các đơn vị, các doanh nghiệp trong vàngoài tỉnh. Đến nay, có đến 95% học sinh tốt nghiệp tại trường được bố trí việc làm và có thu nhập ổn định.

Thăm dự án Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo tỉnh Hà Tĩnh (IMPP) – Tiểu dự án xã Khánh Lộc do Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Tổ chức GIZ (Đức) tài trợ, với tổng mức đầu tư 3.454.975.000 đồng. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)

Đại diện các nhà tài trợ, các đại biểu tham gia Hội nghị cũng đã đi tham quan thực địa một số dự án tại một số huyện như Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Các dự án được tham quan thực địa đều nhằm cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tỉnh Hà Tĩnh. Điển hình như dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 28; tiểu dự án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ; dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo tỉnh Hà Tĩnh (IMPP); dự án cải thiện Môi trường đô thị miền Trung; dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng (CBRIP).
Trong suốt quá trình Hội nghị diễn ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã bố trí một gian hàng quảng bá giới thiệu bằng hai thứ tiếng Việt và Anh về các sản phẩm của Hà Tĩnh, bao gồm các lĩnh vực khoáng sản, nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ…nhằm giúp các vị khách quốc tế và trong nước biết thêm về một địa phương chịu nhiều thiên tai, bão lũ, hạn hán khốc liệt trong thời gian gần đây.
Việc tổ chức ba tuyến tham quan, thực địa đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Các chương trình, dự án ODA trên địa bàn được triển khai tốt, đảm bảo tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân vốn theo đúng cam kết với các nhà tài trợ. Điều này đã có tác động tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội như: Cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Công tác quản lý, giám sát hoạt động của các dự án được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt đi vào nề nếp, đảm bảo công khai, minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí và có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cộng đồng và người dân hưởng lợi. Đến nay đã có 18 nhà tài trợ và gần 20 tổ chức phi chính phủ đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Chuyến tham quan thực địa đã kết thúc chiều cùng ngày tại thành phố Hà Tĩnh. Hội nghị Giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra từ 8-9 sẽ tập trung thảo luận: Tái lập và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô: Cập nhật tình hình thực hiện Nghị quyết 11 trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ, minh bạch trong tài khóa và ngân sách, hiệu quả đầu tư công và hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước; Bảo vệ người nghèo trước sự bất ổn kinh tế vĩ mô: Ảnh hưởng xã hội đối với người nghèo, bảo vệ hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chống tham nhũng trong công nghiệp khai khoáng: Báo cáo của Đối thoại phòng chống tham nhũng.
Hội nghị CG giữa kỳ là diễn đàn trao đổi những ý kiến giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ về tình hình phát triển KT-XH của Việt Nam; đánh giá lại việc thực hiện các cam kết viện trợ tại Hội nghị CG chính thức năm trước cũng như các biện pháp phối hợp giữa Chính phủ và các nhà tài trợ nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1050
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)