Trong ba tháng cuối năm 2010, tổng giá trị các vụ vỡ nợ cá nhân ở Anh lên tới 1,18 tỷ bảng, tăng gần 60% so với quý trước đó.
Thông báo của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 1/3 cho biết trong thời gian trên, số trường hợp khách hàng phải bỏ dở hợp đồng mua trả góp, do không thể tiếp tục trả nợ, đã tăng 22%.
Tính chung cả năm nay, các ngân hàng thương mại ở Anh phải xóa nợ tín dụng tiêu dùng tổng cộng lên tới 9,71 tỷ bảng, bao gồm cả nợ có thế chấp và nợ không có thế chấp.
Lương lao động không tăng do các công ty cắt giảm chi phí, cộng thêm chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ là hai lý do chính khiến nhiều người không thể tiếp tục trả nợ tín dụng tiêu dùng.
Công ty tư vấn thanh toán nợ tiêu dùng CCCS cho biết vẫn còn rất nhiều người tìm đến công ty trong tình trạng hầu như không còn khả năng trả nợ. Một số đối mặt với thu nhập không tăng nhưng chi phí sinh hoạt nhảy vọt, một số khác tệ hơn khi rơi vào tình cảnh mất việc làm.
Các số liệu cho thấy có hơn 18 triệu người Anh từng bị âm tài khoản trong năm 2010, trong đó 5 triệu người thường xuyên thấu chi. Phổ biến nhất vẫn là nhóm tiêu dùng trong độ tuổi từ 20-29, có tới 46% có tài khoản bị chi nhiều hơn thu.
Trong năm 2010 ở Anh có gần 135.090 người buộc phải tuyên bố phá sản, hoặc dàn xếp trả nợ tự nguyện hoặc đề nghị giải phóng nợ. Ở Anh, khi một người bị vỡ nợ họ sẽ phải ra tòa tuyên bố phá sản để được giải phóng khỏi các khoản nợ, tất nhiên kèm theo sẽ bị hạn chế một số quyền về tài chính.
Không lâu như nhiều nước khác, ở Anh một người sau khi tuyên bố phá sản chỉ mất chưa đầy 12 tháng là có thể khôi phục hoàn toàn “uy tín tài chính cá nhân.” Nhưng sẽ phải mất lâu hơn nữa để họ có thể mở lại tài khoản tín dụng và vay tiêu dùng như một người bình thường./.