Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 8 (ASEM 8) diễn ra trong các ngày 4 – 5/10/2010 tại Cung điện Hoàng Gia, Brussels (Bỉ) đã tạo xung lực mới cho hợp tác phát triển giữa hai châu lục lớn trên thế giới.
|
ASEM 8đã thông qua 16 sáng kiến mới
|
Các nhà lãnh đạo Á – Âu đã thảo luận các nội dung quan trọng là quản trị kinh tế toàn cầu, phát triển bền vững, các thách thức toàn cầu, tình hình khu vực và các biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác ASEM.
Thúc đẩy Á – Âu tăng trưởng bền vững
Về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm tạo động lực mới cho hợp tác giữa hai châu lục nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bền vững và đồng đều, từ đó, khôi phục lòng tin của thị trường, nâng cao tính minh bạch và khả năng phục hồi của hệ thống tài chính, góp phần cải cách các thể chế tài chính quốc tế và thúc đẩy tăng trưởng ở các nước đang phát triển.
Các nhà lãnh đạo Á - Âu cam kết tăng cường các nguồn lực cho tăng trưởng, khuyến khích các mô hình phát triển bền vững hơn, khắc phục các nhân tố đã tạo ra sự yếu kém của hệ thống tài chính trong giai đoạn trước khủng hoảng, bao gồm nợ công quá cao và sự mất cân đối toàn cầu. Các nhà lãnh đạo khẳng định sáng kiến Chiềng Mai ở châu Á và các cơ chế ổn định tài chính ở châu Âu là những công cụ hữu ích trong hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn tài chính. Hội nghị cũng thảo luận nhiều biện pháp về cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Trong bối cảnh hậu khủng hoảng, phát triển bền vững trở thành một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị Cấp cao lần này. Các nhà lãnh đạo Á – Âu đã trao đổi và đưa ra các quyết định quan trọng nhằm bảo đảm phát triển bền vững, trong đó chú trọng ba nhân tố: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Các nhà lãnh đạo kêu gọi tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại, chấm dứt các biện pháp bảo hộ và khẳng định quyết tâm sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha.
Hội nghị cũng nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế trong ASEM, triển khai hiệu quả các Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại, Kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Theo đó, ASEM cần đẩy mạnh hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường và khẳng định sẽ nỗ lực đóng góp cho thành công của Hội nghị toàn cầu về phát triển bền vững dự kiến tổ chức tại Brazil trong năm 2012.
Về các vấn đề toàn cầu như thiên tai, an ninh con người, chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, xung đột vũ trang... Hội nghị nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các vấn đề này. Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi tăng cường hợp tác Á - Âu trong việc nâng cao năng lực phòng chống và phục hồi sau thiên tai.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận các biện pháp cụ thể để tăng cường hiệu quả hợp tác ASEM, nâng cao đóng góp và vị thế của diễn đàn. Các nhà lãnh đạo khẳng định cần tiếp tục làm phong phú hơn các hoạt động giao lưu với sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân hai châu lục, từ giới doanh nghiệp, truyền thông đến các nhà học giả, thanh niên, sinh viên.
|
Lãnh đạo và Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEM chụp ảnh lưu niệm với Hoàng gia Bỉ
|
Hội nghị đã thông qua hai văn kiện quan trọng là “Tuyên bố Chủ tịch ASEM 8 về hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân” và “Tuyên bố Hội nghị ASEM 8 về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu”.
Hội nghị đã thông qua 16 sáng kiến mới về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh lương thực, giao thông vận tải, quản lý rừng, nghiên cứu và phát triển nguồn nước, giáo dục…, nhất trí sẽ tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEM. Hội nghị cũng hoan nghênh CHDCND Lào đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 9 vào năm 2012.
Việt Nam tích cực đóng góp sáng kiến vào diễn đàn hợp tác Á - Âu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng tại các phiên họp của Hội nghị Cấp cao ASEM 8, đóng góp nhiều ý kiến và đưa ra các đề xuất thiết thực về những vấn đề lớn của Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cộng đồng quốc tế và ASEM cần tăng cường hợp tác nhằm khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế, đồng thời chuẩn bị cho thời kỳ hậu khủng hoảng.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ những nỗ lực chung cải tổ mạnh mẽ các cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, đồng thời đề nghị các thành viên phối hợp trong hoạch định chính sách kinh tế - tài chính, tăng cường hợp tác để góp phần nâng cao hiệu quả thực sự của cơ chế G20.
ASEM cần tiếp tục khuyến khích các tổ chức khu vực đóng góp vào việc xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới tiếp tục cải tổ theo hướng tăng vai trò trong việc ra quyết định thông qua việc tăng tỷ lệ quyền biểu quyết của các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi.
Là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên được mời phát biểu về chủ đề phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ phát triển bền vững đang là nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia và đã trở thành yêu cầu mang tính toàn cầu.
Việt Nam chủ trương phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, nâng cao không ngừng cuộc sống của nhân dân. Đây là nhân tố then chốt giúp Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao, bình quân khoảng 7,3%/năm và duy trì ổn định chính trị xã hội.
Thủ tướng đề nghị ASEM tiếp tục triển khai xây dựng "quan hệ đối tác chiến lược Á - Âu toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi vì phát triển bền vững”, đẩy mạnh hợp tác trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và khu vực, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chính thức thông báo Việt Nam cùng với các nước Anh, Đức, Hàn Quốc, Hà Lan và Phần Lan đề xuất hai sáng kiến mới về “Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh” và "Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội cho mọi người dân”.
Phát biểu về những diễn biến nổi bật ở hai châu lục, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN hiện đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động và bền vững vào năm 2015. ASEAN tiếp tục là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển ở khu vực, là động lực chính thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế - thương mại khu vực thông qua tăng cường hợp tác trong các cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á.
Thủ tướng nhấn mạnh,với vị trí địa - chiến lược quan trọng ở khu vực, ASEAN đã trở thành một đối tác thiết yếu của các nước lớn và các trung tâm lớn trên thế giới, trong đó có các thành viên ASEM.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 12 nhằm trao đổi về nâng cao đóng góp của giới doanh nghiệp đối với nỗ lực cải tổ hệ thống quản trị tài chính toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào các nỗ lực của Chính phủ trong việc giám sát hệ thống tài chính –ngân hàng, tăng cường quan hệ đối tác công tư trong hỗ trợ tài chính và đề xuất các sáng kiến và hoạt động tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những sáng kiến đề xuất của Việt Nam được nhiều đại biểu đến từ các châu lục Á - Âu quan tâm và đánh giá cao ./.
Việt Đông
Cổng thông tin điện tử Chính phủ