Ngày 8/6, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh nền kinh tế thế giới không có nguy cơ rơi trở lại suy thoái nhưng tiến trình phục hồi vẫn rất mong manh và những bất ổn định vẫn dai dẳng.
|
Nhà kinh tế trưởng của WB, Justin Lin
|
Nhà kinh tế trưởng của WB, Justin Lin, cho rằng tiến trình phục hồi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục nhưng đang đi trên đoạn đường gập ghềnh trước khi ra đường lớn êm ái hơn.
Những thách thức gây bất ổn định nền kinh tế thế giới như giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, khủng hoảng nợ chủ quyền ở khu vực đồng euro cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục.
Các nước thu nhập cao vẫn chật vật với tỷ lệ thất nghiệp cao, thâm hụt tài chính lớn và năng lực sản xuất trì trệ. Các nền kinh tế phát triển ngoài khắc phục khủng hoảng kinh tế còn phải vượt qua những vấn đề cơ cấu như thách thức cơ cấu về tạo việc làm, điều chỉnh tài chính và cơ cấu lại khu vực ngân hàng.
Nhà kinh tế trưởng của WB cũng lưu ý sự trỗi dậy nhanh của các nền kinh tế mới nổi trong những năm gần đây đã tạo ra thế giới đa cực tăng trưởng trong thế kỷ 21.
Ông cảnh báo mặc dù khủng hoảng kinh tế đã ở đằng sau nhưng các nền kinh tế này cần tập trung giải quyết các thách thức đặc thù của mỗi nước để đạt được tăng trưởng cân bằng thông qua cải tổ cơ cấu thận trọng với sức ép lạm phát tăng cao, nền kinh tế quá nóng và bong bóng có thể nổ tung trong thị trường bất động sản.
Giá dầu và lương thực tăng cao có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu và gây tổn thương các nước nghèo.
Tăng trưởng cao của hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đã góp phần tạo ra những thách thức toàn cầu mới bao gồm giá hàng hóa tăng cao, lạm phát tăng và sự trở lại của dòng vốn gây bất ổn định khi chính sách tiền tệ được thắt chặt và lãi suất tăng.
Lạm phát ở thế giới đang phát triển đã lên tới 7% trong tháng 3/2011 cao hơn 3% so với mức trung bình thấp của tháng 7/2009. Lạm phát tăng cao nhất là ở Đông Á, Trung Đông và Bắc Phi.
Các nhà kinh tế hàng đầu của WB nhấn mạnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã kết thúc đối với hầu hết các nước đang phát triển. Các nước này cần tập trung đưa chính sách tiền tệ trở lại lập trường trung dung hơn và tái lập các khuôn khổ đệm tài chính để các nền kinh tế này có thể phản ứng năng động với nguy cơ khủng hoảng bằng các chính sách hài hòa có thể làm nguội nền kinh tế khi quá nóng và thúc đẩy nền kinh tế khi quá trầm lắng./.