Cách đây hai năm, các quan chức Mỹ nói rằng đợt suy thoái tồi tệ nhất sau cuộc Đại Suy thoái đã chấm dứt, nhưng (khi đó họ chưa thể nhận thức được rằng) sự phục hồi chật vật sau đó cũng là sự phục hồi tồi tệ nhất kể từ thảm họa kinh tế trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Giới chuyên gia vừa đưa ra nhận định như vậy trên tờ Nhật báo Phố Wall của Mỹ.
Tờ báo tài chính hàng đầu của Mỹ cho rằng sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa do nợ của các hộ gia đình đang là một vấn đề lớn, hệ thống tài chính vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thế chấp, lòng tin còn mong manh và chính phủ không có mấy lựa chọn tốt để hỗ trợ tăng trưởng.
Báo trên nêu rõ tất cả các chỉ số như tăng trưởng việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, cho vay của ngân hàng, sản lượng của nền kinh tế, tăng trưởng thu nhập, giá nhà ở và hy vọng của các gia đình về tình hình tài chính đều cho thấy mức độ cải thiện của nền kinh tế kể từ tháng 6/2009 là xấu nhất hoặc một trong những lần tồi tệ nhất kể từ khi Chính phủ Mỹ bắt đầu theo dõi các chỉ số này từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.
Có một số điểm sáng như xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa và nông sản, được cải thiện một phần nhờ sự bùng nổ của các nền kinh tế đang phát triển và việc đồng USD yếu hơn.
Sự phục hồi này dự kiến sẽ tiếp tục tăng tốc trong nửa cuối năm 2011 do tác động của thảm họa động đất và sóng thần của Nhật Bản giảm dần. Tuy nhiên, những khó khăn chung sẽ tiếp tục kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Các ngân hàng không có khả năng hoặc không muốn cho vay nhiều hơn so với trước suy thoái. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách lại không muốn tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) đã hạ lãi suất ngắn hạn về mức gần bằng không. Hai vòng nới lỏng định lượng (QE) với việc mua 1.425 tỷ USD trái phiếu thế chấp và 900 tỷ USD trái phiếu chính phủ đã giúp ổn định nền kinh tế nhưng không giúp kinh tế phục hồi mạnh.
Tương tự, kích thích tài chính, dưới dạng miễn giảm thuế được những người Cộng hòa yêu thích hay tăng chi tiêu được phe Dân chủ ủng hộ, đều khó có thể tiếp tục do thâm hụt ngân sách lớn và kết quả đáng thất vọng của những nỗ lực trước đây như gói kích thích 830 tỷ USD do Tổng thống Barack Obama đưa ra năm 2009.
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất có lẽ là việc các hộ gia đình vẫn ngập trong nợ nần. Lúc kinh tế bùng nổ đỉnh điểm hồi quý 3/2007, các hộ gia đĩnh Mỹ đã vay 127% thu nhập cả năm để mua nhà, ôtô và các hóa khác, cao hơn mức trung bình 84% trong thập niên 90. Để tỷ lệ nợ trên thu nhập về mức 84%, các hộ gia đình phải trả 3.300 tỷ USD tiền nợ hoặc thu nhập của họ phải tăng thêm 3.900 tỷ USD - tương đương với tốc độ tăng trưởng thu nhập của 9 năm trong điều kiện bình thường.
Nợ và thị trường việc làm ảm đạm ảnh hưởng đến lòng tin và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Chỉ có 24% hộ gia đình hy vọng tình hình tài chính sẽ cải thiện trong vòng một năm. Đây là mức thấp nhất trong thời điểm phục hồi kinh tế yếu kể từ sau Chiến tranh Thế giới II./.