Số liệu chính thức của Tổ chức phát triển nông nghiệp Arập (AOAD) cho thấy các nước Arập đã nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD lương thực trong năm 2008, trong đó nhập khẩu lúa mỳ chiếm tới 33%, với trị giá gần 10,5 tỷ USD.
Cơ quan này không công bố số liệu của năm 2009, song cho biết nhập khẩu có thể còn tăng nữa do tốc độ tăng dân số Arập tương đối cao, vượt tỷ lệ 2%/năm trong hơn hai thập niên qua.
Kim ngạch xuất khẩu lúa mỳ của Liên đoàn Arập gồm 21 thành viên chỉ đạt gần 280 triệu USD năm 2008, tạo thâm hụt lớn về thương mại trong mặt hàng chủ lực này. Tất cả các sản phẩm lương thực khác đều bị thâm hụt trong giai đoạn này, ngoại trừ rau (thặng dư gần 880 triệu USD).
Báo cáo của AOAD cho thấy Arập Xêút chịu mức thâm hụt cao nhất về hàng nông sản. Nước này xuất khẩu khoảng 2,50 tỷ USD trong khi nhập gần 17 tỷ USD - mức cao nhất khu vực Arập và chiếm gần 1/3 tổng lượng nhập khẩu lương thực của các nước Arập.
Các chuyên gia dự báo nhập khẩu lương thực của Arập Xêút sẽ tăng cao hơn trong những năm tới, do quốc gia này đang thúc đẩy kế hoạch ngừng sản xuất lúa mỳ trong nước để cứu nguồn nước.
Trong hai năm tới, sản lượng lúa mỳ của Arập Xêút có thể giảm thêm, khiến quốc gia này hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ yếu từ phương Tây.
Các số liệu cho thấy Ai Cập, quốc gia Arập đông dân nhất, là nhà nhập khẩu lương thực lớn thứ hai trong khu vực, mặc dù nước này có tiềm năng lớn về nông nghiệp. Nhập khẩu lương thực của Ai Cập vào khoảng 7,4 tỷ USD năm 2008, trong khi xuất khẩu lương thực chỉ là 2,3 tỷ USD.
Trong một nghiên cứu trước đó, AOAD cho rằng sự phụ thuộc nặng nề vào lương thực nhập khẩu cùng với đầu tư nghèo nàn và tỷ lệ sử dụng đất thấp đã đẩy kim ngạch nhập khẩu lương thực của các nước Arập lên trên 180 tỷ USD trong thập niên qua.
AOAD giải thích tăng dân số nhanh trong khu vực là một trong những nhân tố gây thâm hụt kéo dài về cán cân lương thực của các nước Arập.
Bên cạnh đó, những nhân tố khác gồm đầu tư thấp của khu vực công và tư, chính sách chưa phù hợp của các chính phủ, nguồn nước nghèo nàn, sử dụng thiếu hiệu quả nguồn đất và nước sẵn có và tỷ lệ sử dụng đất canh tác thấp cũng là những trở ngại lớn cản trở vốn đầu tư rót vào nông nghiệp.
Các nước Arập đang nghiên cứu một chiến lược tham vọng trị giá 65 tỷ USD trong vòng 20 năm tới, nhằm tăng sản lượng và giảm nhập khẩu lương thực.
Theo đó, đất trồng trọt sẽ tăng lên khoảng 2,9 triệu ha vào năm 2030, giúp tăng sản lượng lúa mỳ 81,3%, gạo 56,5%, lúa mạch 81,2% và đường 69,3%.
Chiến lược này sẽ tăng tỷ lệ tự cung lương thực đồng thời tạo gần 8,7 triệu việc làm mới./.