Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ xanh và Nguồn nước Malaysia Peter Chin ngày 19/12 cho biết chính phủ nước này có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, mỗi nhà máy có công suất 1.000MW, nhằm cân bằng nguồn cung năng lượng cho cả nước.
Chính phủ Malaysia hy vọng sẽ hoàn tất việc định giá dự án vào năm 2013 hoặc 2014 và sẽ gọi thầu xây dựng vào năm 2016.
Dự kiến nhà máy đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2021 và nhà máy thứ hai vận hành một năm sau đó. Theo Công ty năng lượng nhà nước Tenaga, chi phí xây dựng cho nhà máy đầu tiên là 3,1 tỷ USD.
Malaysia muốn phát triển thủy điện vì đây là nguồn nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, theo ông Chin, thủy điện chỉ có thể phát triển được ở các bang miền Đông nước này, trong khi các nguồn năng lượng khác như sinh học và sức gió lại quá ít, năng lượng Mặt Trời có tiềm năng lớn nhưng công nghệ sản xuất quá đắt.
Hiện nguồn cung điện của Malaysia phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch, trong đó khí đốt chiếm 64% và phần còn lại là than đá.
Malaysia bắt đầu vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Triga có công suất 1MW từ năm 1982 và đã ký kết hiệp định đảm bảo an toàn hạt nhân quốc tế từ năm 1972. Malaysia cũng đã siết chặt luật kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn buôn lậu công nghệ hạt nhân./.