A - KINH TẾ:
1 - Tăng trưởng kinh tế:
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) đạt 3.840 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994) tăng 8,9% so với quý 1/2010, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,7%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,5%, khu vực dịch vụ tăng 11,9%. Tốc độ tăng trưởng quí 1/2011 tuy có thấp hơn cùng kỳ (quí 1/2010 tăng 9,2%), nhưng trong điều kiện tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều yếu tố không thuận lợi tác động đến đời sống, sản xuất của từng lớp dân cư và các doanh nghiệp, kết quả đạt được như trên là rất khả quan. Công nghiệp tăng 16% (thấp hơn cùng kỳ 0,3%), số lượng doanh nghiệp đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp trong các năm qua có xu hướng giảm (năm 2008 đầu tư mới có 51 doanh nghiệp, năm 2009 có 25 doanh nghiệp và năm 2010 có 8), đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp. Ngành xây dựng trong thời gian qua giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình. Các nhà thầu thi công cầm chừng hoặc tạm ngừng thi công để chờ điều chỉnh giá. Mặt khác, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, tỉnh đang rà soát lại các công trình dự kiến thi công trong năm 2011 nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, thi công trong quí chủ yếu là các công trình chuyển tiếp từ năm trước chuyển sang, tốc tăng trưởng quí 1 là 0,7%, tăng rất thấp so cùng kỳ (quí I/2010 tăng 12,6%). GDP theo giá thực tế đạt 10.445 tỷ đồng, tăng 20,4% so cùng kỳ. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế: khu vực dịch vụ 4,6% (quí 1/2010: 4,2%), khu vực công nghiệp và xây dựng 2,4% (quí I/2010: 3%), khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản 1,9% (quí I/2010: 2%). Về Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm thủy sản chiếm 47,4% (quý 1 năm 2010: 47,1%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26% (quý 1 năm 2010: 26,7%); khu vực dịch vụ chiếm 26,6% (quý 1 năm 2010: 26,2%). Giá cả trong quí 1 diễn biến rất phức tạp, giá các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản tăng cao, cộng với việc các ngành công nghiệp, xây dựng có tốc độ tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, làm cho cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch không tích cực.
2-Tài chính, ngân hàng:
Thu, chi ngân sách: tổng thu ngân sách được 1.425 tỷ đồng, đạt 33,3% dự toán, bằng 73,1% so cùng kỳ, trong đó thu từ kinh tế địa phương 802,5 tỷ đồng, đạt 26,8% dự toán và tăng 6% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước 1.712 tỷ đồng, đạt 40,6% dự toán và bằng 88,4% so cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển đạt cao, đạt 51,9% dự toán, chi đầu tư xây dựng cơ bản với tổng vốn 270,6 tỷ đồng.
Tín dụng, ngân hàng: Tổng thu tiền mặt được 48.951 tỷ đồng tăng gấp đôi so cùng kỳ; tổng chi tiền mặt 55.951 tỷ đồng tăng 118,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn huy động trên địa bàn đến ngày 10/3 là 14.473 tỷ đồng, tăng 617 tỷ so với đầu quý và tăng 38,4% so cùng kỳ. Dư nợ cho vay đến ngày 10/3 là 14.645 tỷ đồng, tăng 218 tỷ so với đầu năm và tăng 23,7% so cùng kỳ, cao hơn Nghị quyết số 11/NQ -CP của Chính phủ (Nghị quyết tăng dưới 20%). Chương trình vay vốn được hỗ trợ lãi suất đến ngày 10/3/2011 có 6.806 khách hàng vay với tổng dư nợ 629,5 tỷ đồng.
3-Đầu tư và xây dựng:
Vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.485 tỷ đồng, bằng 63,6% so cùng kỳ. Bao gồm vốn khu vực Nhà nước 572 tỷ đồng, chiếm 38,5% trong tổng vốn đầu tư; khu vực ngoài Nhà nước 897 tỷ đồng, bằng 43,4% so cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 16 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
4-Sản xuất công nghiệp:
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, đạt 2.192,2 tỷ đồng, tăng 16,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó: công nghiệp chế biến tăng 17,1%, công nghiệp khai thác mỏ tăng 8,1%, công nghiệp điện, khí đốt, nước tăng 4,6%. Theo thành phần kinh tế nhà nước thực hiện 77,1 tỷ đồng tăng 8% so cùng kỳ; kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 1.734,6 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện được 380,6 tỷ đồng, tăng 17,7% so cùng kỳ. Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp đang trên đà tăng nhưng sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, do giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng, nhất là giá điện, xăng dầu, sắt, thép, cước vận chuyển tăng cao đã tác động tăng giá thành và giá bán sản phẩm.
5-Sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản:
a-Nông nghiệp
Kết thúc vụ lúa đông xuân, đã gieo sạ 81.023ha, đạt 102,8% kế hoạch, giảm 1,1% so cùng kỳ, năng suất bình quân đạt 66,9 tạ/ha, tăng 2,9 tạ/ha so cùng kỳ, sản lượng 478.130 tấn, tăng 29,8% sản lượng tăng do năng suất tăng. Diện tích cây lúa giảm do chuyển dịch cây trồng từ lúa sang màu nhằm cải tạo độ phì nhiêu cho đất và một số diện tích ngoài đê có khả năng nhiễm mặn. Diện tích nhiễm rầy nâu là 15.712 ha, nhưng không ảnh hưởng đến năng suất lúa. Cây bắp đã trồng 2.584 ha, tăng 6% so với cùng kỳ, đã thu hoạch 1.650 ha, năng suất bình quân 34tạ/ha, tăng 1,9% với sản lượng 5.613 tấn tăng 4,9%, trồng tập trung ở huyện Chợ Gạo với gần 2.055 ha. Tổng diện tích cây lương thực có hạt gieo trồng trong quý 1 được 116.992 ha, đạt 48,7% kế hoạch và giảm 2,2% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch 483.765 tấn, đạt 37,8% kế hoạch và tăng 29,5% so cùng kỳ.
Cây rau, đậu các loại: gieo trồng 19.717 ha, đạt 54% kế hoạch và tăng 2,7% so cùng kỳ, đã thu hoạch 15.053 ha, năng suất bình quân 163,9 tạ/ha đạt 100,8% kế hoạch và tăng 0,5% so cùng kỳ, với sản lượng 246.722 tấn, tăng 7,5% so cùng kỳ. Diện tích cây màu tăng do giá tương đối ổn định và lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa. Sản phẩm từ cây màu đa dạng và phong phú về chủng loại vì hiện nay nông dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cùng với bón phân cân đối… là những nguyên nhân để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
b-Chăn nuôi:
Ngày 15/02/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã công bố dịch bệnh lở mồm long móng gia súc trên toàn tỉnh, đến ngày 10/3/2011 cả tỉnh đã có 91/169 xã, phường-thị trấn của 9 huyện có gia súc mắc bệnh LMLM. Riêng huyện Tân Phú Đông chưa phát sinh, trong đó: lợn hủy 6.542/9.157 con của 713 hộ nuôi; bò hủy 2/77 con của 30 hộ nuôi; có 13 cơ sở giết mổ ở 6 huyện với 144 lợn bệnh LMLM (đã xử lý luộc/hủy: 59 lợn bệnh; còn lại 85 con thương lái tự xử lý cơ sở giết mổ không kiểm soát được do lúc đầu bệnh mới phát sinh). Các ngành chuyên môn đã tập huấn 929/1.009 ấp (đạt 92%) trong 159/169 xã (đạt 94%) về công tác tuyên truyền bệnh LMLM gia súc và các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi đến người chăn nuôi, kết quả đã có 800 ấp có kế hoạch thực hiện; 510 ấp trong 143 xã thực hiện với 503 cuộc và 15.390 lượt người tham dự.
c-Thủy hải sản:
Diện tích nuôi trồng 11.537 ha, đạt 87,7% kế hoạch và tăng 7,3% so cùng kỳ. Gồm có: Nuôi thủy sản nước ngọt 5.718 ha tăng 9,6% cùng kỳ. Tình hình nuôi trồng nước ngọt tương đối ổn định, dịch bệnh ít xảy ra. Ngoài việc nuôi theo truyền thống gia đình thì phong trào nuôi cá công nghiệp ngày càng phát triển trong nhân dân với nhiều chủng loại cá, có khoảng 110 ha nuôi cá tra dọc bờ sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè. Giá cá tra trong quý bình quân 21.000 – 24.000 đ/kg, tăng khoảng 3.000-7.000đ/kg so với cùng kỳ năm 2010. Môi trường nuôi nước mặn, lợ với diện tích 5.819 ha, tăng 5,2% so với cùng kỳ, chủ yếu là diện tích nuôi nghêu từ năm trước chuyển sang, trong đó thả nuôi được 2.819 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng với số tôm giống thả nuôi 450 triệu con, chủ yếu là nuôi quảng canh ở huyện Tân Phú Đông. Hiện nay do thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió chướng gây bệnh đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng xảy ra ở huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông gây thiệt hại 5,27 triệu con và nghêu bị chết với diện tích 62 ha/13 hộ; Nuôi thủy sản lồng bè cũng được duy trì với 1.476 bè cá, đa số là cá điêu hồng, chiếm trên 90%; giá cá thương phẩm từ 24.000-27.000 đ/kg, tăng 1.000-3.000đ/kg so với năm 2010.
Tổng sản lượng thu hoạch là 48.861 tấn, đạt 23% kế hoạch và tăng 7% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng đạt 28.162 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ, trong đó thu hoạch từ nuôi lồng bè đạt trên 7.842 tấn chiếm 27,8% sản lượng nuôi, sản lượng cá đạt cao là do vào vụ thu hoạch cá để phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sản lượng khai thác đạt 20.699 tấn, trong đó khai thác biển đạt 19.896 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ, sản lượng khai thác tăng cao là do ngư trường trúng mùa, mặt khác hiện nay một số phương tiện xuống cấp bà con tiếp tục cải hoán theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên trong quý 1, khai thác biển cũng còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao làm giá thành sản xuất tăng, hiệu quả khai thác thấp.
6-Thương mại, dịch vụ và giá cả:
a-Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội:
Thực hiện được 6.499 tỷ đồng tăng 13,5% so cùng kỳ; kinh tế nhà nước đạt 207 tỷ đồng, tăng 25,2%; kinh tế tập thể đạt 44 tỷ đồng, tăng 26,8%; kinh tế cá thể đạt 3.597 tỷ đồng, tăng 17,4%; kinh tế tư nhân đạt 2.651 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp đạt 5.732 tỷ đồng, tăng 16,1%; lưu trú và ăn uống đạt 610 tỷ đồng, tăng 48,1%; du lịch lữ hành đạt 8 tỷ đồng, tăng 70,7%; dịch vụ đạt 149 tỷ đồng, bằng 39,9% so cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá tổng mức bán lẻ quý 1 tăng 6,3%.
b-Xuất - Nhập khẩu:
* Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 135,5 triệu USD, tăng 16,6% so cùng kỳ. Tập trung chủ yếu là kinh tế nhà nước đạt 32,9 triệu USD, tăng 26,6%; kinh tế tư nhân đạt 93,9 triệu USD, tăng 10,9%. Hàng hóa xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng chính: Lương thực xuất 42.348 tấn gạo tương đương 20,5 triệu USD, so cùng kỳ lượng giảm 11,8%, giá trị giảm hơn 12,2%. Trong quý 1 giá xuất hầu như không biến động, lượng gạo xuất khẩu chính là Công ty lương thực tỉnh xuất, trong đó xuất trực tiếp chỉ chiếm 7,8%. Hiện nay Công ty lương thực tỉnh còn tồn kho 15.031 tấn lương thực quy gạo; Hàng thủy sản xuất 28.838 tấn, tăng 14,6% về trị giá đạt 73,9 triệu USD tăng 26,5% so cùng kỳ, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cá tra, tôm, nghêu, chả cá...; Hàng dệt may xuất 2.714 ngàn sản phẩm giảm 6,3% so cùng kỳ, về giá trị đạt 20,8 tỷ đồng bằng xấp xỉ so cùng kỳ; Hàng rau quả xuất 1.533 tấn tương đương 1,95 triệu USD, so cùng kỳ lượng tăng 7,8%, trị giá tăng 25,4%. Giá xuất bình quân hàng rau quả tăng 16,3% so cùng kỳ.
* Nhập khẩu hàng hóa: đạt 32,2 triệu USD, tăng 2,7% so cùng kỳ. Kinh tế nhà nước đạt 6,4 triệu USD giảm 1,4%; kinh tế tư nhân đạt 23,5 triệu USD, giảm 1,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,3 triệu USD, bằng gấp 2,2 lần so cùng kỳ. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến bao gồm vải và nguyên phụ liệu ngành may mặc chiếm trên 60%, các mặt hàng còn lại bao gồm nguyên liệu sản xuất thực phẩm và đồ uống, hạt nhựa, nguyên liệu thuốc trừ sâu,...
3-Chỉ số giá:
Chỉ số giá tiêu dùng quý 1 năm 2011 tăng 6,6%, bình quân 1 tháng tăng 2,2%, như vậy lạm phát trong quý 1 là 6,6%. So với cùng kỳ chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý 1 tăng 13,4%. Chỉ số giá tiêu dùng các tháng trong quý luôn tăng, tháng 01 tăng 2,8%, tháng 02 tăng 1,8%, tháng 3 là tháng sau tết Nguyên đán thông thường chỉ số giá sẽ giảm, nhưng năm nay chỉ số giá vẫn tăng ở mức 1,9%; chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2011 nhiều khả năng sẽ tăng ở mức cao. So sánh với quý 1 của 10 năm gần đây thì chỉ số giá tiêu dùng quý 1 năm 2011 có chỉ số tăng giá cao nhất, chỉ sau năm 2008 (năm 2008 quý 1 tăng 10,4%). Trong các nhóm hàng, nhóm giáo dục tăng cao nhất, tăng 35,9% so cùng kỳ do tăng mức học phí các cấp; ăn uống ngoài gia đình tăng 19,9%; đồ uống và thuốc lá tăng 18,4%; nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 14,2%; nhóm hàng giao thông và văn hóa giải trí du lịch có cùng mức tăng 7%; nhóm hàng may mặc, mũ nón giày dép tăng 8,3%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 8,9%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,5%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 8,6%; giá vàng tăng đến 38,3%; giá đô la tăng 5,4%; chỉ duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 7%.
B-MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Phối hợp với các tỉnh, đoàn thể và chính quyền các cấp tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như tổ chức thăm hỏi, tặng quà trong các dip lễ, Tết, phụng dưỡng, chăm sóc bà mẹ việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ neo đơn. Cụ thể như sau: Tổ chức thăm và tặng 57.747 suất, tổng giá trị 12.796 triệu đồng, trong đó quà Chủ tịch nước: 27.293 suất, số tiền 5.737,20 triệu đồng và trích từ nguồn kinh phí địa phương 25.719 suất, số tiền 5.148,80 triệu đồng.
Đã vận động đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được 524 triệu đồng, đạt 8,7 kế hoạch và tăng 20,7% so cùng kỳ năm trước, đã xây dựng được 23 căn nhà tình nghĩa tổng giá trị 345 triệu đồng.
Các ngành các cấp tổ chức trao tặng các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn đón Tết Tân Mão 2011: 44.940 suất, tổng giá trị 9.587 triệu đồng, trong đó vận động được 49.000 phần quà tương đương với 9,8 tỷ đồng; tiếp tục thực hiện chính sách trợ giúp, tạo việc làm cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức các đoàn thăm, tặng quà cho 118 cụ tròn 100 tuổi, mỗi suất quà gồm 5 mét vải và 100 ngàn đồng; tặng quà của Chủ tịch nước cho 74 cụ đủ 100 tuổi mỗi phần quà gồm 5 mét lụa gấm và 200.000 đồng; tặng quà của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho 1.302 cụ đủ 90 tuổi với tổng kinh phí 465,70 triệu đồng (mỗi phần quà gồm một cái mền và 200.000 đồng).
Theo số liệu tổng hợp nhanh khảo sát mức sống năm 2010 (đã có số địa bàn bổ sung), thu nhập bình quân tăng khoảng 40% so với năm 2008, đạt 1.323 ngàn đồng/người/tháng; chia theo khu vực thành thị: 1.908 ngàn đồng; nông thôn: 1.231 ngàn đồng.
C-CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI:
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục khó khăn, lạm phát tăng, giá nguyên vật liệu cho sản xuất, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới có xu hướng tăng đã tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Trước tình hình đó Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng các ngành, các cấp cần có giải pháp và kịp thời chỉ đạo, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/CP của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiếm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể cần tập trung thực hiện những nhóm giải pháp sau:
- Thực hiện tốt các chính sách về tiền tệ nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các hoạt động của tổ chức tín dụng, ngân hàng lành mạnh. Ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu. Cải thiện các điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất - kinh doanh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu và gian lận thương mại.
- Về nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn cho cây lúa và các loại trái cây đặc sản gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản đồng thời hình thành vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung phục vụ xuất khẩu.
- Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng sử dụng các sản phẩm nông, lâm thủy sản. Trong thu hút đầu tư phải chú ý thẩm định chặt chẽ về năng lực tài chính, ngành nghề đầu tư, tác động môi trường của các dự án. Đồng thời khuyến khích phát triển công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng nhưng đạt được hiệu quả trong sản xuất, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
- Cần thu hút và phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có giá trị, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thu hút đầu tư nhằm mở rộng mạng lưới dịch vụ ở nông thôn đồng thời xây dựng các chợ, trung tâm thương mại tạo đầu mối giao lưu, buôn bán người sản xuất và tiêu dùng. Chú trọng khai thác thị trường nội địa, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu để giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Trong những tháng tới đây giá tiêu dùng có thể sẽ còn tiếp tục chịu sự tác động tiêu cực của yếu tố: tác động dây chuyền của việc tăng giá điện, xăng dầu, sắt thép, cước vận chuyển; cán bộ công chức sẽ được nâng lương tối thiểu vào tháng 5 tới cũng sẽ tạo ra tâm lý và lý do để thị trường tăng giá.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội như hỗ trợ cho các gia đình chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng bị thiên tai. Tiếp tục thực hiện đề án dạy nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động thất nghiệp hỗ trợ cho vay để học nghề, tạo việc làm… Cần đầu tư, nâng cấp mở rộng các cơ sở dạy nghề ở các huyện, thành phố, thị xã. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân ở các khu, cụm công nghiệp. /.