(MPI Portal) - Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 3/5 đến 6/5/2011. Hội nghị là một sự kiện lớn, có ý nghĩa và tầm vóc quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến.
|
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam. Ảnh: Vietnam+
|
Đánh giá về hiệu quả của các dự án do ADB tài trợ tại Việt Nam và tỷ lệ giải ngân của ADB trong những năm gần đây, ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, các dự án do ADB tài trợ đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, tiêu biểu là tăng trưởng kinh tế nhanh cùng với xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng rằng hầu hết các dự án đã hoàn thiện vẫn còn tồn tại sự chậm trễ trong khâu thực hiện và kêu gọi Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Trong những năm gần đây, ADB đã tập trung vốn để hỗ trợ cải cách trong lĩnh vực nước, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển nông thôn và nông nghiệp tại Việt Nam (nếu tính tổng quy mô nền kinh tế Việt Nam là hơn 100 tỉ USD và giải ngân ODA ở mức 4%). Để ODA phát huy hiệu quả nhất, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng ODA, bao gồm vốn vay của ADB, tạo nên tác động đáng kể thông qua cải cách và thực hiện thí điểm các sáng kiến mới. Phía ADB hoàn toàn ủng hộ biện pháp này của Chính phủ Việt Nam trong việc tận dụng ODA nói chung và vốn của ADB nói riêng, vì cải cách và đổi mới sẽ mang đến tác động lớn hơn từ việc sử dụng ODA và vốn vay của ADB.
Dự kiến Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới với vị trí là nước thu nhập trung bình. ADB sẵn sàng kết hợp chặt chẽ với Việt Nam để giải quyết các thách thức mới này, hoặc để tránh bẫy của nước thu nhập trung bình. Theo đuổi cơ hội hợp tác theo hình thức công-tư hoặc kết hợp trực tiếp với khu vực tư nhân rất cần được khai thác tích cực hơn.
Theo ông Ayumi Konishi,việc Việt Nam trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình đồng nghĩa với việc một số nhà tài trợ song phương lên kế hoạch để từng bước giảm dần sự hỗ trợ của họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nguồn vốn ODA hiện có của Việt Nam đang giảm đi. Trên thực tế, thời gian qua Việt Nam đã nhận được khoản trợ giúp lớn hàng năm tại các cuộc họp của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG).
Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị Kế hoạnh phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, ADB cũng đang chuẩn bị Chiến lược đối tác quốc gia cho giai đoạn này. Mục đích của ADB là gắn liền Chiến lược đối tác quốc gia với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 để có khả năng đáp ứng một cách hiệu quả nhất những yêu cầu đang nảy sinh của Việt Nam.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nguồn vốn viện trợ từ bên ngoài đang dần hạn chế,Việt Nam cần tăng cường hệ thống pháp lý để đảm bảo phát huy lợi thế của các công cụ tài chính khác nhau. Giám đốc quốc gia ADB khẳng định các ưu tiên trong tương lai của ADB tại Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực tri thức, chẳng hạn như tư vấn về quản lý kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách kinh tế và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Mặt khác, để quản lý tốt nguồn vốn ODA, hệ thống pháp lý Việt Nam phân loại một cách đơn giản nguồn vốn này ra thành vốn ưu đãi cao hoặc vốn kém ưu đãi. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt các khoản vay lớn với các mức lãi suất khác nhau, và mối đe dọa rằng “sự phân loại này” có thể khiến nguồn vốn ODA sử dụng kém hiệu quả hơn.
Hội nghị thường niên ADB lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu từ 70 quốc gia. Đây là sự kiện không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, ngoại giao của Việt Nam mà còn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với ADB, đồng thời quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; là cơ hội có một không hai để Việt Nam trình bày tiến trình trở thành một quốc gia có mức thu nhật trung bình trên thế giới, cũng là dịp để đại diện của các doanh nghiệp tìm hiểu về đầu tư và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam./.
Theo dự kiến, chương trình Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 3/5/2011 đến 6/5/2011 sẽ có khoảng 40 sự kiện.
Một số sự kiện chính sẽ diễn ra trong kỳ Hội nghị là Chương trình Ngày Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với Hội nghị cao cấp về đầu tư - kinh doanh; các hội thảo về một số chủ đề thuộc lĩnh vực hạ tầng cơ sở, điện lực, nước sạch…
Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ có 19 cuộc hội thảo tập trung vào các chủ đề như: Thị trường vốn và tài chính; Hội nhập và hài hoà hoá các quy định ở châu Á trong môi trường hậu khủng hoảng; châu Á năm 2050 (hội thảo của các Thống đốc); Cùng hướng tới một quy định tài chính tốt hơn và một sự ổn định ở châu Á; Thay đổi xu hướng tăng trưởng toàn cầu và dòng vốn vào châu Á; Thu hẹp khoảng cách - xúc tác vốn tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng; vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực…
|
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư