Trong buổi gặp gỡ, ngày 9/9, với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Đoàn công tác Chính phủ Việt Nam đang thăm chính thức CH Iceland, các doanh nghiệp Iceland đều chung nhận định, tuy xa cách về địa lý, song có nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện tối đa, coi thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình
|
Trao đổi với các doanh nghiệp Iceland, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu một số nét chính về tiềm năng và quá trình phát triển kinh tế năng động của Việt Nam, điểm đến hợp tác đầu tư hấp dẫn hàng đầu với một thị trường dân số lớn, nguồn nhân lực trẻ dồi dào. Việt Nam cũng là cửa ngõ của khu vực và có vị trí địa lý thuận lợi để hợp tác phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại với các nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị, lâu năm giữa hai nước và cho rằng, lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư giữa hai nước còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hai bên.
Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác hợp tác hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực Iceland có thế mạnh như thủy sản, công nghệ thông tin, chế biến khoáng sản và năng lượng tái tạo và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Iceland đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
|
Các nhà đầu tư Iceland dự buổi gặp gặp
|
Bộ trưởng Kinh tế Iceland Arni Pall Arnarson cũng cho rằng có nhiều nét tương đồng trong tiềm năng kinh tế hai nước như cùng hướng ra kinh tế biển, thủy hải sản đóng vai trò quan trọng trong tỷ trọng xuất khẩu… Đây là những lĩnh vực hai bên có thể trao đổi, hợp tác khai thác tốt hơn trong lĩnh vực nhiều tiềm năng này.
Ông Palmi S. Palmason, Tổng giám đốc Tập đoàn Portunus cho biết, nhận thấy tiềm năng từ ngành thủy sản Việt Nam, Tập đoàn này vừa mua một nhà máy chế biến cá tra ở Việt Nam cũng như đang tìm kiếm các cơ hội để cùng góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.
“Việt Nam rất có tiềm năng trong lĩnh vực thủy hải sản với sản lượng 4 triệu tấn/năm, nhưng quy mô, phương thức khai thác có thể tăng thêm nếu áp dụng công nghệ khai thác, chế biến công nghiệp như của Iceland”, ông Palmason nói.
Iceland có đội tàu đánh cá hiện đại vào loại nhất thế giới, hàng năm đánh bắt trên 1,5 triệu tấn cá các loại và cá chiếm 50% lượng xuất khẩu hàng hóa hàng năm.
Tổng giám đốc Tập đoàn Kalan Mobile Sveinn Baldvinsson cũng cho biết mối quan tâm trong việc hợp tác đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo. Iceland là nước có công nghệ sản xuất điện địa nhiệt hàng đầu thế giới.
Một số nhà đầu tư cũng quan tâm tìm hiểu tiềm năng hợp tác du lịch, đào tạo quản lý, tài chính,… vớiViệt Nam. Hiện nay, Iceland cũng có một số công ty đã đầu tư hoặc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam như Marel, Kalan, Actavis, Alvotel,…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hoan nghênh việc doanh nghiệp Iceland đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, khẳng định Chính phủ luôn tạo điều kiện tối đa, coi thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hảithăm Nhà máy địa nhiệt điện Hellisheidi
|
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thăm Nhà máy địa nhiệt điệnHellisheidi nằm ở phía tây nam Iceland.
Đây là nhà máy địa nhiệt điện có quy mô lớn thứ hai trên thế giới, nằm trên 3 ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây hàng chục nghìn năm. Nhà máy có khả năng đáp ứng nhu cầu cơ bản về điện và nước nóng để sưởi tại các khu vực công nghiệp và dân cư Thủ đô Reykjavik với sản lượng điện là 213 MWe/năm và dự kiến sẽ gia tăng sản lượng điện lên 300 MW và năng lượng nhiệt điện lên 400 MW.
Sơ đồ cấu trúc của nhà máy địa nhiệt điện Hellisheidi khá linh hoạt. Mục đích đặt ra là toàn bộ nguồn điện sử dụng sẽ đặt tại tòa nhà trung tâm, các bộ phận sản xuất điện sẽ là những bộ phận độc lập xung quanh tòa nhà chính. Lấy tòa nhà trung tâm làm cột mốc, các phòng sản xuất điện sẽ quay về hướng nam, còn nhà máy sản xuất nước nóng sẽ quay về phía bắc.
Mô hình nhà máy điện được coi là rất thân thiện với môi trường này được Đoàn Chính phủ Việt Nam quan tâm khi vấn đề năng lượng mới và tái tạo đang được Việt Nam ưu tiên phát triển, đặc biệt là từ năng lượng địa nhiệt (300 nguồn nước khoáng nóng từ 30-105 độ), mặt trời (2000-2500 giờ nắng/năm), gió, sinh khối (từ gỗ, củi, rơm, rác, phụ phẩm nông nghiệp, khí sinh học,...từ 43-46 triệu TOE/năm), có trữ lượng Uranium thuộc mức trung bình trên thế giới. /.
Nguyên Linh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ