Ngày 9/7, tại hội thảo do Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) ở thủ đô Santiago của Chile, các nhà kinh tế ECLAC đã đề xuất cơ cấu tài chính khu vực mới để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nhà kinh tế hàng đầu Mỹ Latinh, Pedro Paéz, Chủ tịch Ủy ban kỹ thuật phát triển cấu trúc tài chính khu vực mới của ECLAC nhấn mạnh thách thức mà các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe đang phải đối mặt là tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính mới tác động đến ổn định kinh tế và xã hội khu vực.
Theo ông, thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng cơ cấu cần các tiêu chí mới cho hệ thống tài chính. Tổng nợ của thế giới hiện nay lớn gấp 10 lần tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu với các nền kinh tế thực mất cân đối vì nợ khiến nền kinh tế toàn cầu mất cân bằng lớn.
Trong bối cảnh này, các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng nền kinh tế thế giới cần tìm kiếm các phản ứng khác nhau từ các khu vực khác nhau trong phạm vi toàn cầu hóa, đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh và Caribe, nhằm tìm ra phản ứng hiệu quả đối với nhu cầu của mỗi khu vực.
Cơ cấu tài chính khu vực mới có thể giúp đạt được mục tiêu này.
Cơ cấu mới dựa trên ba trụ cột chính gồm nghiệp vụ điều hành ngân hàng phát triển mới, chế độ bồi thường thanh toán mới, chế độ an ninh tài chính dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa các ngân hàng trung ương các nước.
Quỹ phát triển và tiền tệ ủy thác có thể được sử dụng để tăng cường cơ cấu tài chính mới.
Các nước cần thúc đẩy các cuộc trao đổi ý kiến một cách rộng rãi và có trách nhiệm về vai trò của các ngân hàng phát triển cấp quốc gia, khu vực và quốc tế để cơ cấu tài chính mới, mở ra chân trời rộng lớn, dài hạn cũng như khả năng hội nhập mới cho mỗi nền kinh tế./.