Để duy trì và bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN, tiếp tục phát huy vai trò của Cấp cao Đông Á, các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng cần khẳng định lại những mục tiêu, nguyên tắc, thể thức và ưu tiên của Cấp cao Đông Á đã được ghi trong hai văn kiện nền tảng là Tuyên bố Kuala Lumpur về Cấp cao Đông Á năm 2005 và Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 5 năm thành lập Cấp cao Đông Á năm 2010. Đồng thời cần thể hiện vai trò chủ đạo của ASEAN thông qua việc xây dựng chương trình nghị sự và xác định các ưu tiên đối với cơ chế Cấp cao Đông Á mở rộng.
Liên quan đến chủ đề Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, các nhà lãnh đạo ASEAN đều cho rằng, ASEAN cần và có thể tham gia tích cực và chủ động hơn cho các công việc chung của khu vực và thế giới. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo hoan nghênh chủ đề ASEAN năm nay là Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu. Trong việc thực hiện những mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực, dành ưu tiên và nguồn lực cao nhất cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng cũng như cho các vấn đề ưu tiên của khu vực, mở rộng quan hệ đối tác và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Đây chính là cơ sở và nội lực để ASEAN có thể phát huy vai trò của mình trên trường quốc tế.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đều nhất trí rằng hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của các quốc gia. Các tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Để bảo đảm các mục tiêu trên, tất cả các bên cần phải nghiêm chỉnh tôn trọng và thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện và đầy đủ. Đây là văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, được ký kết giữa một bên là ASEAN và một bên là Trung Quốc, thể hiện cam kết chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác xây dựng lòng tin ở Biển Đông. Do đó, ASEAN cần phối hợp chặt chẽ và tiếp tục đẩy mạnh đối thoại với Trung Quốc để thực hiện hiệu quả DOC. Việc thực hiện tốt DOC có ý nghĩa quyết định đối với hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Về các vấn đề liên quan tới Biển Đông, điều quan trọng là ASEAN cần có tiếng nói chung và nhất quán để thể hiện được vai trò chủ đạo và xây dựng của mình vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực phối hợp và kết quả của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Lombok và Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN ởYogyakarta vừa qua về vấn đề này.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đề cập một số vấn đề như tình hình Myanmar và việc nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2014;vềđề xuất thành lập Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN;vềviệcTimor Lestexin gia nhập ASEAN ...
Kết thúc thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho biết với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2011, Indonesia xác định 3 ưu tiên trong phát triển ASEAN.
Thứ nhất, đảm bảo sự tiến triển có ý nghĩa nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, điều này có ý nghĩa là những bước tiến trong nỗ lực mở rộng và làm sâu sắc hơn quá trình hội nhập kinh tế của khối. ASEAN cũng sẽ tiếp tục cơ chế hợp tác khu vực để xử lý các vấn đề kinh tế vĩ mô, an ninh lương thực và các thách thức khác.
Thứ hai, tăng cường tính liên kết của ASEAN nhằm đảm bảo vai trò hướng lái trong cơ cấu và tích cực đóng góp vào sự phát triển khu vực Đông Á. Điều này đòi hỏi sự phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô như đối phó với các thách thức về an ninh lương thực và năng lượng, củng cố hàng loạt hiệp định thương mại và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, tăng cường vai trò của ASEAN trong giải quyết những vấn đề toàn cầu. Sự tham gia ngày càng tăng của ASEAN vào các công việc quốc tế không chỉ vì mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-tài chính khu vực, mà còn khuyến khích đầu tư trong khu vực và gia tăng khả năng thích ứng của các nước trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Theo Tổng thống Indonesia, với mối quan hệ và khả năng của mình, ASEAN và EU có thể cùng nhau quản trị kinh tế thế giới, đặc biệt là đối với các vấn đề cùng quan tâm trong khuôn khổ G20 và Tổ chức thương mại Thế giới. Chẳng hạn, hai bên có thể chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc kết thúc các vòng đàm phán Doha, đảm bảo sự tin tưởng lẫn nhau trong hệ thống thương mại đa phương.
|
Ảnh: Chinhphu.vn
|
Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị Cấp cao ASEAN 18 đã thành công tốt đẹp và đạt được một số kết quả quan trọng, đề ra những phương hướng và biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng, đẩy mạnh hơn quan hệ đối ngoại và củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các cơ chế hợp tác khu vực và nâng cao vị thế và vai trò quốc tế của ASEAN, cụ thể:
1. Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí cần phát huy thành quả ASEAN đã đạt được trong năm 2010, đẩy mạnh triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các nhà Lãnh đạo ASEAN nhất trí cần tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế, công cụ, diễn đàn hiện có vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+),...
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần nỗ lực thực hiện đúng tiến độ các cam kết kinh tế nội khối và với các đối tác bên ngoài nhất là về thương mại, dịch vụ, đầu tư, hải quan; chú trọng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, thực hiện hiệu quả Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI); ưu tiên sớm triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và có kế hoạch huy động nguồn lực. Bên cạnh đó, các nhà Lãnh đạo nhất trí phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về ASEAN, huy động sự tham gia đóng góp của người dân vào tiến trình xây dựng Cộng đồng.
2. Về quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN, các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài thông qua các cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, EAS…, đồng thời củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực.
3. Các nhà lãnh đạo nhất trí cần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN theo các phương thức và khả năng phù hợp. Theo đó, ASEAN sẽ tăng cường tham vấn, phối hợp lập trường và hành động tại các diễn đàn đa phương; sẵn sàng tham gia hợp tác quốc tế ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh an toàn hàng hải, an toàn hạt nhân…
4. Các nhà lãnh đạo cũng dành thời gian trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm; đạt được nhận thức chung về nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định ở khu vực. ASEAN khẳng định lại DOC là văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, được ký giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết chung của hai phía vì hòa bình, ổn định, hợp tác xây dựng lòng tin ở Biển Đông, ASEAN cần phối hợp chặt và tiếp tục đối thoại với Trung Quốc để thực hiện đầy đủ Tuyên bố này. ASEAN mong muốn hai nước Thái Lan và Campuchia giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên tinh thần hữu nghị ASEAN; ủng hộ Myanmar đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2014.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bốý tưởng tiến tới Tuyên bố chung về Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu tại Cấp cao ASEAN 19 vào tháng 11/2011; Tuyên bố chung về việc thành lập Viện ASEAN vì hòa bình và hòa giải và Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác chống buôn bán người ở Đông Nam Á. Theo thông lệ,chủ nhà Indonesiara Tuyên bố của Chủ tịch Cấp cao ASEAN 18 về các kết quả chính của Hội nghị./.