Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/09/2011-10:02:00 AM
Khuyến cáo mới đối với các nền kinh tế châu Á
Giữa những dấu hiệu ngày càng tăng về nền kinh tế toàn cầu có thể lâm vào một cuộc suy thoái mới, các nước châu Á cần phải xem xét chính sách phản ứng của mình, nhất là các nước dựa nhiều vào xuất khẩu.
Tuần trước, các quan chức Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính và các chuyên gia kinh tế nhiều nền kinh tế châu Á gặp nhau tại Manila để tham gia một cuộc hội thảo về châu Á và cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, châu Á bị ảnh hưởng do sụt giảm mạnh về xuất khẩu. Điều này đã gây ra một sự tụt dốc về tổng sản phẩm quốc gia (GDP). Nói cách khác châu Á dễ bị tổn thương trước một cuộc suy thoái mới, vì phụ thuộc cao vào xuất khẩu.
Ở châu Á có nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Chẳng hạn Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, xuất khẩu đóng góp hơn 60% tăng trưởng, so với 40% - 50% tại Trung Quốc. Các nước Malaysia, Singapore và Việt Nam cũng như vậy.
Bên cạnh đó theo nhiều chuyên gia, khu vực châu Á cũng phải đối mặt với một số lỗ hổng tài chính.
Thứ nhất, một số nước trong khu vực bị thâm hụt tài khoản vãng lai đáng kể và dựa vào dòng vốn đầu tư nước ngoài để đáp ứng sự thâm hụt này.
Thứ hai, nhiều quốc gia châu Á đã tự do hóa các dòng vốn của họ trong 10 năm vừa qua, do đó dễ bị tổn thương bởi cả sự tăng mạnh dòng vốn đổ vào và nguồn tiền chảy ra.
Thứ ba, các nước châu Á có thể sẽ rơi vào nguy hiểm do việc gia tăng của các quỹ quốc tế đang tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trong khu vực. Làn sóng các dòng vốn đầu tư gần đây đã gây ra các vấn đề chẳng hạn như sự tăng giá đồng tiền (dẫn đến hàng hóa kém cạnh tranh trong xuất khẩu), áp lực lạm phát và bong bóng bất động sản...
Thứ tư, nhiều nền kinh tế châu Á bị thiệt hại do sự mất giá ngoại hối dự trữ của nước mình. Sự thiếu ngoại tệ thay thế cho đồng USD, một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu hiện nay, làm cho vấn đề này thêm trầm trọng hơn.
Tất cả những vấn đề trên đang tạo áp lực để các nước châu Á xem xét lại các mô hình tăng trưởng./.
Đức Phú
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 782
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)